Tập trung tìm nguôn nước sạch cho vùng cao
Theo kế hoạch từ nay đến 2025, tỉnh Phú Yên huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư trên 185 tỷ đồng cho việc khôi phục, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động 74 công trình cấp nước tập trung đã xây dựng trước đây, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 34.000 hộ gia đình, góp phần đưa tỷ lệ người dân nông thôn, miền núi có nguồn nước sạch sinh hoạt đạt 60%. Trong đó, sẽ sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh 58,3 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã gần 6,6 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 26 tỷ đồng và huy động các nguồn hợp pháp khác 94,2 tỷ đồng để thực hiện. Tiếp đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng mới 29 công trình cấp nước sinh hoạt để cung cấp nước sạch cho 57.700 hộ gia đình
Thời gian qua, việc xã hội hóa xây dựng giếng nước cho người dân vùng khô hạn được triển khai tại nhiều xã vùng cao của Phú Yên theo nhiều cách. Các mạnh thường quân hỗ trợ, góp vốn góp công cùng thực hiện. Cách làm này rất phù hợp ở những điểm trường nằm đơn lẻ chỉ vài chục học sinh hoặc các điểm dân cư thường gặp khó khăn về nước sinh hoạt nhưng thiếu vốn đầu tư công trình cấp nước.
Cuối tháng 5 vừa qua, điểm Trường Hòa Ngãi, thuộc Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - một ngôi trường vùng cao của tỉnh Phú Yên chính thức có được một giếng nước khoan cung cấp nước sạch để sử dụng. Giếng khoan trị giá 60 triệu đồng, do Chi hội Nhà báo thường trú Phú Yên vận động các đơn vị tặng cho trường ngay thời điểm nắng nóng, đã giúp học sinh nhân thêm niềm vui.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Sơn Định chia sẻ, có nước sạch từ giếng khoan để sử dụng, thầy và trò nhà trường vô cùng phấn khởi. Từ nay các em có nước sạch để sinh hoạt, giúp các em ổn định học tập; việc trồng cây, hoa của trường cũng trở nên thuận lợi.
Toàn huyện Sơn Hòa hiện có 20 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, có 1 công trình ngừng hoạt động do không còn nước; 5 công trình chỉ đảm bảo được khoảng 30 - 50%. Các công trình không đảm bảo cấp nước này nằm ở các địa phương vùng cao như: xã Cà Lúi, xã Phước Tân… Ngoài ra, hơn 200 công trình giếng khoan từ 30 - 50m do nhà nước đầu tư, hiện chỉ có khoảng 60 giếng còn nước đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho bà con nhân dân.
Nhiều giải pháp tìm nguồn nước sạch cho người dân
Trước tình hình một số hạng mục công trình xuống cấp và một số khu vực dân cư chưa có tuyến ống cấp nước đến, để đảm bảo việc cấp nước ổn định bền vững cho người dân đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đầu tư, nâng cấp công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên, hiện nay, việc thực hiện đầu tư các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ của các Chương trình, dự án. Trong đó chủ yếu là từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia xóa nghèo bền vững, Chương trình 135 kéo dài.... Tuy nhiên, các nguồn vốn này hàng năm do Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh Phú Yên bố trí kế hoạch vốn để các địa phương tự lựa chọn dự án cần thiết thực hiện đầu tư. Do đó, việc xem xét nguồn ngân sách để thực hiện đầu tư các công trình cấp nước trên địa tỉnh Phú Yên là do các địa phương chủ động đề xuất và phối hợp với các sở và Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh.
Vừa qua, nhiều cử tri tại các huyện miền núi như: Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh đã có nhiều kiến nghị về việc cần nâng cấp các công trình nước sạch để đảm bảo cung cấp nước cho người dân sinh hoạt. Như công trình cấp nước sinh hoạt thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) được đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2011, qua hơn 10 năm vận hành khai thác, hiện nay công trình có nhiều hạng mục bị hư hại. Hay như công trình cấp nước sinh hoạt xã Suối Trai - Ea Chà Rang (giai đoạn 1) thời gian qua, đường ồng đoạn thôn Xây Dựng bị vỡ, không cấp nước cho người dân.
Toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 80 công trình cấp nước sạch tập trung với các mô hình quản lý khác nhau. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Vấn đề đầu tư, quản lý và vận hành hiệu quả các công trình này là vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân.
Để giải quyết những tồn tại, khó khăn cũng như đầu tư phát triển hạ tầng, phát huy hơn nữa giá trị của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác xã hội hóa, chuyển nhượng quyền khai thác công trình để khai thác hiệu quả../.