Bình Phước đang tích cực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển thương mại - dịch vụ cả về số lượng và chất lượng cũng như xây dựng cấu trúc ngành và phân bố không gian phát triển hợp lý. Đồng thời, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thương mại - dịch vụ bền vững, phù hợp với mục tiêu Bình Phước trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là kinh tế tư nhân; khuyến khích khả năng tích tụ và tập trung nguồn lực của doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh tế để đầu tư theo quy định của pháp luật, mở rộng mạng lưới kinh doanh; phát triển hài hòa, đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho các hoạt động thương mại trong nước.
Bình Phước phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt 6,5% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 8,2%. Cơ cấu ngành dịch vụ vào năm 2025 chiếm tỷ trọng 34,3%, năm 2030 đạt 34,5%.
Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt 79.000 tỷ đồng, năm 2030, đạt 151.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 10,34 %/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng từ 13,5 - 17%/năm.
Năm 2025 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 5 tỷ USD, năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 11,9%, năm 2030 đạt 12,4%/năm.
Đạt được mục tiêu này, Bình Phước phát triển đồng bộ, đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại, các phương thức, hình thức tổ chức kinh doanh thương mại - dịch vụ, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (đô thị, nông thôn, biên giới, địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp…); áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành.
Bình Phước xây dựng mới hoặc nâng cấp mở rộng các chợ tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố; cải tạo, nâng cấp, xây mới các chợ có quy mô hạng III ở địa bàn cấp xã đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển đô thị tại các địa phương; xây dựng mới 2 chợ đầu mối nông sản tại thành phố Đồng Xoài và thị xã Chơn Thành.
Cùng đó, tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa bàn đô thị như thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú; đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh tại thành phố Đồng Xoài; thu hút đầu tư, xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại có quy mô phù hợp tại khu vực trung tâm các huyện và khu vực nông thôn khác…
Địa phương xây dựng mới hệ thống kho hàng thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú, thị xã Chơn Thành và các địa bàn phù hợp với nhu cầu trung chuyển, lưu trữ hàng hóa của từng khu vực. Mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan; nâng cao chất lượng dịch vụ logistics nhằm khai thác hiệu quả vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Bình Phước trở thành trung tâm dịch vụ logistics kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Đối với hệ thống xăng dầu, khí đốt, Bình Phước thu hút đầu tư thêm ít nhất 1 kho xăng dầu tại địa điểm phù hợp dung tích dưới 5.000 m3; 2 trạm nạp khí hóa lỏng công suất tối thiểu khoảng 2.000 tấn/năm; thu hút đầu tư, xây dựng thêm ít nhất 46 cửa hàng xăng dầu; khuyến khích đầu tư cửa hàng xăng dầu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, nâng cao độ an toàn của hệ thống phân phối xăng dầu, khí hóa lỏng hiện có.
Mặt khác, tỉnh thực hiện có hiệu quả biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia trên địa bàn tỉnh Bình Phước; trong đó, tỉnh rà soát danh mục hạ tầng thương mại biên giới như: hệ thống cửa hàng, chợ biên giới, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống kho bãi, nhà xưởng, trung tâm cung cấp dịch vụ thương mại hàng hóa, phân phối, kho ngoại quan, ngân hàng... đề xuất kêu gọi và thu hút đầu tư.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng thương mại điện tử, các giải pháp giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và xây dựng trang web thương mại điện tử, xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng số hóa bao gồm hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thƣơng mại khác.
Ngoài ra, Bình Phước còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể tháo gỡ khó khăn, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của tỉnh (điều, cao su, gỗ, tiêu, chế biến thực phẩm từ thịt heo, gà…) để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, hình thành các chuỗi phân phối, cung ứng sản phẩm sản xuất tại tỉnh, đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường, được dán nhãn sinh thái. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, trao đổi, khai thác thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học, công nghệ và các nền tảng số vào hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp…