Quy hoạch mở ra cơ hội phát triển nhanh
Từ khóa mở đầu cuộc trò chuyện của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khi nói về năm 2024 là “nền tảng”. Đó là xét trong bối cảnh sắp tới, năm 2024 là nền tảng cho bứt phá, nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới. “Năm 2024 là năm mà Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố đi vào cuộc sống cơ bản, toàn diện và chắc chắn năm 2025, những năm tiếp theo sẽ mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn”, ông Mãi chia sẻ.
Theo ông Mãi, trong năm vừa qua, Nghị quyết 98/2023/QH15 được triển khai đồng bộ, các cơ chế, chính sách cơ bản được cụ thể hóa, có tính chất khung, nền tảng. Những nội dung này giúp các nguồn lực bước đầu được huy động. Tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền cũng được thực hiện và thấy rõ sự chuyển biến, qua đó tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch, đầu tư công, tài chính, đô thị…
Vừa qua, Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị các nguồn lực đầu tư. Dự kiến đến năm 2030, Thành phố sẽ có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại, từ giao thông, đô thị đến khoa học công nghệ và hạ tầng xã hội khác. Điều này sẽ giải quyết các điểm nghẽn, giúp môi trường, điều kiện sống của người dân và các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.
“Trong tính toán chúng tôi, nếu tất cả những việc này diễn ra đúng kế hoạch, đến năm 2030 đạt được kết quả, chắc chắn trong giai đoạn 10 năm sau đó (từ 2030 - 2040), tăng trưởng của Thành phố sẽ đạt hai con số và là hai con số lớn”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tin tưởng.
Trong năm 2025, Thành phố sẽ khẩn trương hoàn thành quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, rà soát lại các thủ tục về đất đai, thủ tục về đầu tư để đảm bảo trong năm nay cơ bản hoàn thành, qua đó các dự án được triển khai những năm sau. Khi hoàn thiện các nội dung quy hoạch này, Thành phố khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất các dự án lớn.
“Thành phố sẽ đồng hành hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu; đồng thời, có những hỗ trợ tích cực về mặt thủ tục, môi trường đầu tư. Với cách làm như vậy, tôi tin nguồn lực sẽ đổ vào các dự án và đóng góp vào tăng trưởng của Thành phố, qua đó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số”, ông Phan Văn Mãi cho hay.
Nhận lãnh trách nhiệm tăng trưởng hai con số
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng rất cao trong những năm tới (trên 10%), ông Phan Văn Mãi cho biết, cả nước muốn đạt được tăng trưởng hai con số thì những trung tâm, đầu tàu như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác phải nhận lãnh trọng trách này. Để đạt mức tăng trưởng này, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, kể cả tập trung cho các động lực tăng trưởng truyền thống.
Cùng với đó, Thành phố đang tái cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn; tái cơ cấu phát triển dịch vụ chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu (động lực truyền thống) cũng sẽ phải làm mới liên tục, bởi đây vẫn là nền tảng quan trọng, tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng lớn.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung nhiều cho các động lực mới như: kinh tế số, kinh tế xanh và đến nay có những đóng góp nhất định. Nhiều doanh nghiệp của thành phố đã thực hành các tiêu chí xanh để có thể tiếp cận được những thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ.
Theo ông Mãi, đó là sự chuyển động của cả một quá trình. Thành phố đã nhìn thấy và “nuôi dưỡng” các nguồn lực để đến lúc đủ lớn sẽ bứt phá. Năm 2025, kinh tế xanh, kinh tế số sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp lớn hơn, tạo động lực tăng trưởng mới cho thành phố. Bên cạnh đó, câu chuyện cải cách thể chế cần được đặt lên hàng đầu, là một nhiệm vụ rất quan trọng để tháo gỡ, mở đường cho tăng trưởng kinh tế.
Với nhu cầu phát triển đặt ra trong giai đoạn tới, Thành phố xác định phải huy động nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 về cơ bản sẽ hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông, cả giao thông nội bộ và giao thông kết nối (trừ đường sắt đô thị đến năm 2035).
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, một khối lượng đầu tư lớn như vậy cần khoảng 5 triệu tỷ đồng. Ở đây đầu tư công chỉ có khoảng 25%, còn lại vốn ngoài ngân sách phải có cơ chế, chính sách thu hút. Để có nguồn huy động ngoài ngân sách, cần khơi thông nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn thông qua tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giải quyết các vướng mắc.
Thành phố đã có những cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98/2023/QH15 và thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm một số cơ chế, chính sách mới để thu hút đầu tư. “Ngân sách sẽ bỏ ra 1 đồng để thu hút thêm 8 - 9 đồng ngoài ngân sách. Vừa qua, Thành phố có cơ chế hợp vốn giữa HFIC (Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh) và một ngân hàng. Để cho vay một dự án, thì HFIC bỏ ra 2 đồng, ngân hàng bỏ 8 đồng, thành 10 đồng”, ông Mãi chia sẻ.
Theo ông Mãi, tùy theo những công trình dự án cụ thể, sẽ phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình dự án để huy động nguồn vốn từ người dân tại thành phố, trong nước và cả kiều bào. Năm 2024, kiều hối chuyển về thành phố 9,6 tỷ USD, nếu có chính sách thì sẽ huy động được một phần trong số này.
Bên cạnh đó, việc hình thành Trung tâm tài chính cũng sẽ thu hút được các nhà đầu tư và là nguồn lực lớn cho nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố. Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng, không chỉ là 5 triệu tỷ đồng, mà thành phố phải chuẩn bị sâu hơn về quy hoạch, hồ sơ, đội hình, đội ngũ, tâm thế… Đó mới là sự chuẩn bị đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.
"Năm 2025 là năm “chung sức, đồng lòng, bứt phá thành công”, muốn phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, không chỉ chính quyền, doanh nghiệp hay người dân, mà tất cả phải cùng chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt để bứt phá. Với tinh thần đó, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được kết quả thành công", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ.