Phát triển sâm Lai Châu trở thành cây dược liệu chủ lực

Chiều 18/10, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo khoa học “Sâm Lai Châu - Tiềm năng và định hướng phát triển” để các nhà khoa học và đơn vị đầu tư liên kết, chung tay bảo tồn nguồn gen, sản xuất, khai thác bền vững và chế biến có hiệu quả sản phẩm sâm Lai Châu.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan khu trưng bày cây Sâm Lai Châu tại Hội thảo. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Lai Châu có diện tích rừng chiếm 50% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều cánh rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đang dạng về loài. Đặc biệt, có nhiều lâm sản tự nhiên quý hiếm, nhất là dược liệu; trong đó, gồm cả cây sâm.
 
Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất Mường Tè, tam thất đen, tam thất đỏ, phân bố trên núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp. Loại cây này có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, sâm Lai Châu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát và chưa hình thành các khu sản xuất tập trung. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, khai thác và chế biến cây sâm chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng.
 
Với tính cấp thiết bảo tồn và để sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh Lai Châu đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp bộ; ban hành đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, tỉnh Lai Châu có 3,68 ha diện tích trồng sâm của doanh nghiệp, người dân.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng phát biểu trực tuyến với Hội thảo. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia về sâm của Hàn Quốc, đại diện các đơn vị chuyên môn trong và ngoài tỉnh Lai Châu, doanh nghiệp tham gia trồng sâm chia sẻ, đề xuất một số giải pháp mở rộng phát triển cây sâm tại Lai Châu. Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc tư vấn kết nối, hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu về sâm của Hàn Quốc; tư vấn chiến lược về chính sách phát triển sâm Lai Châu, tư vấn về quy trình nuôi trồng, chế biến sâm, hỗ trợ kỹ thuật và từng bước chuyển giao công nghệ sâm tiên tiến của Hàn Quốc, phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm cây Sâm Lai Châu…
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định, Lai Châu mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các hợp tác xã và các hộ gia đình trồng cây sâm tiếp tục quan tâm để phát triển cây sâm Lai Châu trở thành cây dược liệu chủ lực của tỉnh.

Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về cây sâm Lai Châu; ý kiến tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, HTX, hộ dân trồng sâm và điều kiện cụ thể về khí hậu, thổ nhưỡng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh các định hướng phát triển cây Sâm Lai Châu.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp trồng sâm tỉnh Lai Châu ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết giữa doanh nghiệp trồng sâm tỉnh Lai Châu và Hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam.

Nguyễn Oanh (TTXVN)
Cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và 10 loại sản phẩm khác
Cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và 10 loại sản phẩm khác

Sáng 22/7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ Công bố các Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh, Cà phê xứ lạnh và 9 sản phẩm dược liệu cho chủ giấy chứng nhận là Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN