Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp mong các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân tiếp tục giữ vững, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Kon Tum trong tương lai.
Để các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu được bảo hộ thật sự trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, của người tiêu dùng, đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum và các thương hiệu sản phẩm của Kon Tum đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cấp, ngành, doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực về phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu.
Các địa phương phối hợp với đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tham gia chuỗi liên kết sản xuất; sử dụng, bảo vệ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận sau khi được cấp quyền sử dụng; kịp thời phát hiện, phản ảnh những hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đến các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật để thanh, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật….
Tính đến hết Quý II/2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 364 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. 111 nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu (97 nhãn hiệu thông thường và 14 nhãn hiệu chứng nhận) và hai chỉ dẫn địa lý. Hầu hết các nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ là các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh như sâm Ngọc Linh, cà phê, các loại dược liệu, rau củ quả xứ lạnh.
Hiện, tỉnh Kon Tum trồng được khoảng 700 ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum được hơn 600 ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô trồng 22 ha, còn lại của người dân.