Ông Hồ Đại Dũng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành kiểm tra việc lắp đặt camera thông minh và công tác phòng chống dịch COVID-19 tại chốt kiểm soát dịch cầu Việt Trì ngày 27/8/2021.
Bài 2: Tăng tốc chuyển đổi số
Vượt “rào cản” nhận thức
Theo ông Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Muốn chuyển đổi số thành công cần bắt đầu từ nhận thức, nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhận thức lặp lại thì trở thành thói quen, thói quen lặp lại lâu dài thì sẽ trở thành văn hoá. Cái gì trở thành văn hóa thì mới bền vững”.
Do đó, trong quá trình xây dựng chính quyền số, Phú Thọ đặc biệt quan tâm thay đổi trong tư duy, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Cán bộ một cửa xã Tề Lễ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Theo đó, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt nâng cao nhận thức của cán bộ về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; chỉ đạo đổi mới hoạt động, điều hành và mô hình nghiệp vụ từ “truyền thống” sang ứng dụng công nghệ thông tin.
Những năm trước đây, nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo một số địa phương chưa thống nhất là một nguyên nhân chủ quan khiến Tam Nông “ì ạch” trên bảng xếp hạng chính quyền điện tử của tỉnh. Chia sẻ với chúng tôi về giai đoạn khó khăn ấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đề cao tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị thuộc UBND huyện; phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc”. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, liên tục đôn đốc các phần việc, nhiệm vụ cụ thể.
Năm 2015, xã Tề Lễ, một trong những xã thuần nông của huyện Tam Nông, chỉ có 1 chiếc máy tính, chưa có cán bộ nào có trình độ về công nghệ thông tin; khi triển khai các phần mềm quản lý văn bản qua mạng, hội nghị trực tuyến, nhiều cán bộ còn e ngại. Do đó, xã quyết liệt chỉ đạo cán bộ tự nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau, “người biết nhiều hướng dẫn người chưa biết” để sử dụng thành thạo các ứng dụng phần mềm. Xã cử 7 cán bộ công chức chuyên trách bộ phận “Một cửa” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Tiến từng bước một, năm 2021, Tam Nông vươn lên xếp thứ 3/13 huyện, thành thị về xếp hạng mức độ Chính quyền điện tử UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên VNPT huyện Tân Sơn hướng dẫn cách tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến cho Tổ công nghệ số cộng đồng khu 5B, xã Tân Phú.
Để chuyển đổi số đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi nâng cao nhận thức, kĩ năng của người dân về chuyển đổi số để có thể thích nghi, tham gia và thụ hưởng thành quả của chuyển đổi số. Bằng việc đa dạng các phương thức tuyên truyền, vận động, Phú Thọ đã từng bước đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân.
Tại huyện Tân Sơn, cùng với tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, để tạo nên cộng đồng số ngay từ mỗi xã, khu dân cư, huyện đã thành lập và đưa 172 Tổ công nghệ số cộng đồng vào hoạt động, bao phủ 100% khu dân cư. Trực tiếp đến từng hộ dân, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế; hay như hỗ trợ bà con tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền nước, học phí... là những công việc thường xuyên của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Tân Phú.
Ông Hoàng Thế Vững - Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng khu 5B cho biết: "Mặc dù đã lớn tuổi ,nhưng tôi vẫn cố gắng tìm tòi, học hỏi về công nghệ để hướng dẫn lại cho bà con, qua đó giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của chuyển đổi số. Khu 5B hiện có 115 hộ, tôi cùng với các thành viên khác trong tổ hướng dẫn bà con cài đặt các phần mềm để tra cứu lịch sử tiêm chủng COVID-19, phần mềm của bảo hiểm xã hội; đọc tin tức về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử của địa phương; tuyên truyền cho bà con hiểu về lợi ích từ việc thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại; quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương trên các sàn thương mại điện tử để bán hàng được nhiều hơn".
Bà Phùng Thị Phương, khu 5B, xã Tân Phú cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay tôi đã biết nhiều hơn các tính năng của điện thoại thông minh, đặc biệt là cài đặt, sử dụng thành thạo một số phần mềm ứng dụng. Tôi cảm thấy rất tiện lợi và hữu ích".
“Ngay sau khi được thành lập, huyện đã có sự chỉ đạo kịp thời đối với các xã, thị trấn trong việc huy động sự phối hợp của các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức đoàn thanh niên trong việc hướng dẫn triển khai cài đặt, sử dụng các ứng dụng, hỗ trợ kiến thức công nghệ thông tin cho các thành viên của các tổ. Mặc dù mới đi vào hoạt động được một thời gian nhưng các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách cuộc sống”, ông Trần Khắc Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định.
“Chuyển đổi” trong mọi lĩnh vực
Thói quen thay đổi, nhận thức nâng cao, người dân Phú Thọ đã bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, hưởng thụ những giá trị từ chuyển đổi số đem lại. Ngày càng nhiều người tiếp cận với phương thức sản xuất mới, các dịch vụ mới như dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến... Cùng với đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh đều đang chuyển mình trên không gian số.
Vì không có sóng điện thoại, trước kia, cứ mỗi khi có công việc chung là anh Đặng Văn Nội - Trưởng khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn lại phải là đến từng hộ dân để phổ biến. Công việc của trưởng khu cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn và vất vả hơn. Kể từ ngày chính thức “đón sóng” về bản vào tháng 7/2022, đời sống của hơn 70 hộ dân người dân tộc Dao ở Sinh Tàn như bước sang trang mới.
Không chỉ được nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, người dân Sinh Tàn giờ đây đã có điều kiện để nâng cao chất lượng hưởng thụ thông tin, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Nội chia sẻ: "Có Internet, có sóng điện thoại, bà con nhân dân nơi đây đã có thể trao đổi, tìm hiểu những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Chúng tôi còn được hướng dẫn sử dụng ứng dụng hiện đại để mua hàng online, thanh toán trực tuyến. Đặc biệt là nhờ có điện thoại thông minh kết nối internet, chúng tôi còn có thể thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần đến trụ sở UBND xã, rất thuận tiện và hiệu quả".
Người dân khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu tìm hiểu thông tin trên mạng internet
Là một trong những lĩnh vực “chuyển đổi số” mạnh mẽ, ngành Y tế đã có những bước cải tiến mạnh mẽ trong công tác khám, chữa bệnh. Ông Nguyễn Hải Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba cho biết: Việc triển khai đồng bộ các phần mềm trong quản lý, điều hành, khám chữa bệnh hay các nền tảng khám chữa bệnh từ xa đã tạo bước đột phá quan trọng, giúp cải cách thủ tục hành chính và đơn giản quy trình khám, chữa bệnh, giảm thời gian chờ khám bệnh và thanh quyết toán BHYT. Đặc biệt là đem lại lợi ích lớn đối với người bệnh khi họ được khám, chẩn đoán và điều trị ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, giảm chi phí và công sức đi lại, giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu.
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông trao đổi, hướng dẫn cán bộ Trạm Y tế phường Nông Trang (thành phố Việt Trì) về việc triển khai ứng dụng quản lý F0
Ông Hoàng Văn Tân - khu Phan Chu Trinh, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì cho biết: Trước kia, các thủ tục hành chính rườm rà tại bệnh viện là nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi đi khám, chữa bệnh. Thế nhưng giờ đây, tôi có thể đặt lịch khám, chữa bệnh qua các ứng dụng thông minh mà không cần phải đến tận nơi xếp hàng, lấy số. Việc thực hiện các thủ tục ra viện cũng rất nhanh chóng, thuận tiện và an toàn nhờ hình thức thanh toán viện phí trực tuyến…
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, Phú Thọ đang tiếp tục phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn sâu về quản lý thương mại điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ quan, đơn vị. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Bài cuối: Hướng tới người dân và doanh nghiệp - Đích đến của chuyển đổi số