Phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chuyển đổi số tại Phú Thọ: Nỗ lực và bài bản - Bài 1

Những năm trước, khái niệm “chính quyền điện tử” vẫn còn xa lạ đối với người dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền điện tử đã thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước; đồng thời, quá trình chuyển đổi số đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Điều đó cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Phú Thọ trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chuyển đổi số đang đi đúng hướng, dần tiến tới thành công.

Chú thích ảnh
Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh kết luận thông qua Đề án phát triển Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại hội nghị BTV Tỉnh ủy tháng 8/2021

Bài 1: Quyết tâm trên “con đường mới”

Để xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Phú Thọ xác định xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cùng với quyết tâm lớn là sự kiên quyết của người đứng đầu và những giải pháp đồng bộ, sáng tạo.

Những ngày đầu khó “chồng” khó

Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan của sự phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ mới và khó đối với tất cả các địa phương trong cả nước. Chưa có đề án tổng thể, các địa phương mới chỉ phát triển các ứng dụng đơn giản, nội bộ, chưa có sự liên thông, kết nối đồng bộ; hạ tầng, thiết bị chưa đầy đủ. Cùng với đó, người dân ngại tiếp cận, cán bộ còn “bối rối”, trong khi chưa có điển hình thành công để làm cơ sở, rút kinh nghiệm... là  khó khăn trong những ngày đầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2019, khi Phú Thọ bắt đầu triển khai chữ ký số, ông Nguyễn Công Huân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ cho biết: Đội ngũ cán bộ tại các xã, phường đã quen xử lý công việc trên giấy; do đó, để họ thay đổi phương thức làm việc trên môi trường mạng thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành và chữ ký số, là vấn đề không hề đơn giản, nhất là đối với những cán bộ đã nhiều tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin chậm hơn. Để thực hiện được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh “Từ ngày 1/6/2020, 100% các cơ quan, đơn vị trong tỉnh sử dụng chữ ký số cá nhân, thực hiện giải quyết hồ sơ, công việc qua môi trường mạng”, thị xã Phú Thọ đã phải tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, cầm tay chỉ việc cho từng cán bộ.

Ông Lê Phú Hà - Chủ tịch UBND xã Thanh Minh chia sẻ: "Ở thời điểm bắt đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc và trình độ tin học của một số cán bộ còn hạn chế. Vừa hướng dẫn, vừa hỗ trợ, đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số trong đơn vị đã thuận lợi, phát huy hiệu quả".

“Khi đưa những ứng dụng công nghệ thông tin mới vào sử dụng, hầu hết cán bộ ở các địa phương, đơn vị rất quyết tâm thực hiện để đổi mới, phát triển. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận khá thờ ơ, chưa quan tâm tìm hiểu, tự học, tự nghiên cứu. Đây là khó khăn đầu tiên trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử”, ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phân tích.

Bên cạnh đó, việc người dân ngại thay đổi thói quen, không tiếp cận được với công nghệ thông tin, hoài nghi về những hiệu quả thiết thực mà chính quyền điện tử mang lại, cũng là những khó khăn mà đến nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hà Lộc giới thiệu cho người dân về dịch vụ công trực tuyến

“Dù rất tiện ích nhưng khó triển khai”, ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, huyện Yên Lập cho biết. 

Triển khai dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã là nhiệm vụ mới và khó, khó không chỉ với người dân mà cả với đội ngũ cán bộ. Cán bộ tiếp cận công nghệ thông tin đã mất thời gian; người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa lại càng “ngại” hơn. 

Chị Bùi Thị Phượng ở khu 7, xã Xuân Viên đến làm thủ tục khai sinh cho cháu, cho biết: “Tôi biết có thể gửi hồ sơ qua mạng nhưng do không quen, sợ sai sót nên tôi đến nhờ cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã làm giúp”.

Cùng với yếu tố “con người”, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai còn riêng lẻ, chưa liên thông, chia sẻ dữ liệu; nền tảng phân tích, tổng hợp dữ liệu dùng chung của tỉnh chưa được triển khai; trang thiết bị công nghệ thông tin tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp xã còn thiếu, xuống cấp, chưa được trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, trong khi nguồn kinh phí thực hiện còn eo hẹp khiến việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử ở tỉnh Phú Thọ trong những năm đầu thực hiện vô cùng khó khăn.

Chú thích ảnh
Ông Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang với Sở Thông tin và Truyền thông (tháng 3/2022)

 “Càng khó càng quyết tâm”
 
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang trong các cuộc họp về triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tỉnh thể hiện qua hệ thống văn bản ngày càng đồng bộ, hoàn thiện làm cơ sở để chính quyền điện tử đi vào thực tế.

Xác định việc xây dựng thể chế có ý nghĩa quan trọng quyết định thành công của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành Quyết định về Đề án Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao hoạt động dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2022 - 2025; Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo; ban hành Bộ chỉ số đánh giá mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ.

Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, lên kế hoạch cụ thể từng phần việc, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; đề ra các nhóm giải pháp: Từng bước nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai các nền tảng công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính quyền điện tử; đào tạo kiến thức, kĩ năng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Trong quá trình triển khai, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời khó khăn từ cơ sở để đưa ra các giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo tính khả thi; chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành tăng cường hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và người dân bằng hình thức cầm tay chỉ việc, mắc đến đâu gỡ đến đấy để giải quyết triệt để những vướng mắc liên quan đến quy trình nghiệp vụ.

Chú thích ảnh
Chị Bùi Thị Phượng theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh

Trên tinh thần giải quyết từng việc một, nhiệm vụ nào dứt điểm nhiệm vụ đó đi đôi với rút kinh nghiệm liên tục, đến nay, Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, Phú Thọ đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Năm 2020, 100% các cơ quan nhà nước thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy; liên thông hệ thống báo cáo quốc gia với hệ thống báo cáo cấp tỉnh, huyện, xã; Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được đưa vào hoạt động.

Cũng trong năm 2020, hệ thống một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp huyện, xã. Năm 2021, Phú Thọ là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thành công hệ thống truyền hình trực tuyến liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện và cấp xã. 

Chính quyền điện tử đã thay đổi phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tạo ra sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp qua môi trường mạng bằng các ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, dịch vụ công một cách công khai, minh bạch. Từ đó, các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Cải cách hành chính (PAR INDEX); Sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh ngày một tăng cao. 

Năm 2021, Chỉ số PCI của tỉnh đạt 66,11 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,59 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAR INDEX đạt 88,59 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,85 điểm và tăng một bậc so với năm 2020); Chỉ số SIPAS đạt 89,3%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,1%, tăng 8 bậc so với năm 2020); Chỉ số PAPI đạt 45,34 điểm, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 32 bậc so với năm 2020). Trong đó có nhiều chỉ số thành phần phản ánh quá trình xây dựng chính quyền điện tử có sự cải thiện rõ ràng.

Kiên trì mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển, việc xây dựng chính quyền điện tử tại Phú Thọ đang tiếp tục tiến đến những mục tiêu mới, hướng tới chuyển đổi số theo đúng lộ trình đã đề ra.

Bài 2: Tăng tốc chuyển đổi số

Lệ Thủy- Khánh Trang- Huyền Trang (Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ)
Phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chuyển đổi số tại Phú Thọ: Nỗ lực và bài bản- Bài cuối
Phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chuyển đổi số tại Phú Thọ: Nỗ lực và bài bản- Bài cuối

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với mục tiêu đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN