Để đạt mục tiêu giảm nghèo, tỉnh quyết liệt thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, nội dung chính sách của hai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cho biết: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tỉnh tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương, các tỉnh, thành phố khác có kết quả thực hiện tốt để có cơ chế áp dụng phù hợp với thực tiễn địa phương.
Từ các nguồn vốn được phân bổ, Ninh Thuận triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phi nông nghiệp, ngành nghề dịch vụ phù hợp với từng địa bàn; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế.
Với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các địa phương xây dựng nhiều mô hình đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình như dự án “Trồng măng tây xanh kết hợp với tưới nước tiết kiệm” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận phối hợp với địa phương triển khai tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải chia sẻ, thôn Tuấn Tú thuần đồng bào dân tộc Chăm, khí hậu khắc nghiệt, đất pha cát cằn cỗi, nên sản xuất khó khăn. Dự án đã lựa chọn 24 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh được mệnh danh là “rau vua” với diện tích gần 3,9 ha.
Đến nay, các vườn măng tây xanh đã cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân đạt 7kg/sào/ngày, hợp tác xã bao tiêu thu mua với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư các hộ có thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Bạch Văn Nguyên cho biết, huyện hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, trồng các giống nho, táo mới, sản xuất lúa, ngô, cây rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo để phát triển kinh tế.
Mục tiêu của huyện Ninh Phước đến cuối năm nay phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng, kéo giảm hộ nghèo xuống còn 2,48%.
Tỉnh Ninh Thuận đã lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, đến nay có 17.296 hộ còn dư nợ với tổng số tiền trên 612 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn vay các hộ dân đã mạnh dạn chuyển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến cuối năm 2022 tỉnh Ninh Thuận còn 11.015 hộ nghèo (chiếm 5,93%) số hộ toàn tỉnh, giảm 1,89% so với năm 2021; hộ cận nghèo còn 10.087 hộ (chiếm 5,43%) số hộ toàn tỉnh, giảm 1,66% so với năm 2021.