Ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, UBND thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tiến hành tuyên truyền để người dân biết, đồng thuận và thực hiện theo đúng chủ trương của tỉnh và quy định của pháp luật hiện hành về nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, vận động các hộ dân di chuyển lồng bè trên khu vực biển Bình Sơn về đúng vùng nuôi đã quy hoạch nhằm trả lại môi trường biển trong sạch, phục vụ phát triển du lịch tốt hơn trong thời gian tới. Chủ trương của UBND thành phố là các hộ nuôi có đăng ký, chấp thuận di dời lồng bè sẽ được sẽ tạo điều kiện về lực lượng, phương tiện và hỗ trợ kinh phí di dời.
Đến nay, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã ban hành các kế hoạch cưỡng chế đối với 27 trường hợp và sẽ bắt đầu tiến hành cưỡng chế trong tháng 5 này.
Trước mắt, thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi “nuôi trồng thủy sản trên biển không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép” nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đồng thời, sẽ cưỡng chế, xử lý nghiêm đối với các trường hợp hộ nuôi khác nếu hộ nuôi không chủ động di dời theo thời gian quy định.
Để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa việc nuôi trồng thủy, hải sản và phát triển du lịch, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương để vận động và hướng dẫn các hộ nuôi di chuyển lồng bè về khu vực Hòn Chông, ở xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) hoặc khu Gò Xanh ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) để đảm bảo quyền lợi cho các hộ nuôi. Thực tế hiện nay cho thấy, những hộ nuôi tôm, cá biển tại các khu vực quy hoạch nuôi trồng thủy sản này rất hiệu quả.
Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân di chuyển lồng bè thủy sản trái phép về khu vực quy hoạch phát triển du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận cần chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức cho các hộ nuôi lồng bè kí cam kết không di chuyển lồng bè vào vùng không được phép; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch thêm vùng nuôi mới để người dân yên tâm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, hoặc có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho phù hợp.
Trước đó, năm 2013, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản ở vịnh Phan Rang, với 3 tiểu vùng là C1, C2, C3 có tổng diện tích mặt nước 760 ha. Trong số đó, vùng C1, C2 (thuộc huyện Ninh Hải) là vùng biển hở nên vào mùa gió Tây – Nam thổi mạnh (tháng 4 đến tháng 8), sóng to sẽ đập hư hại lồng bè và rách lưới, cá, tôm thoát ra ngoài nên các hộ thường di chuyển lồng bè về tránh trú tại khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chữ vì có điều kiện mặt nước yên tĩnh.
Trong khi đó, bãi biển Bình Sơn thuộc khu du lịch biển Bình Sơn-Ninh Chữ có chiều dài khoảng 8 km thuộc địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Ninh Hải được đánh giá là một trong những bãi tắm đẹp nhất của tỉnh Ninh Thuận, được quy hoạch để phát triển du lịch biển.
Do lo ngại nguồn nước biển bị ô nhiễm từ hoạt động nuôi thủy sản, UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã vận động ngư dân, cưỡng chế các bè nuôi thủy sản trái phép tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, buộc di dời về vùng C1, C2 theo quy hoạch.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các lồng bè di chuyển không được địa phương, các đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên, một phần để ổn định sinh kế cho ngư dân nên vào mùa gió Tây-Nam hàng năm, các hộ nuôi tôm hùm và thủy sản lồng bè vẫn tiếp tục di chuyển về khu vực biển Bình Sơn để tránh trú, hiện nay có khoảng 80 bè nuôi thủy sản đang án ngữ tại khu vực này.
Qua thống kê của ngành chức năng, trung bình mỗi ngày, lượng thức ăn dư thừa, dư lượng thuốc thú y thủy sản và rác thải sinh hoạt của hơn 500 lao động trên các lồng, bè đổ xuống khu vực biển Bình Sơn – Ninh Chữ rất lớn; điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn làm mất mỹ quan, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch biển, không gian bãi tắm khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ.
Tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng và thế mạnh rất lớn phát triển nuôi biển với đường bờ biển dài hơn 105 km nhưng thực tế kết quả nuôi biển thu về vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mang lại. Ngư dân nuôi biển trong tỉnh hiện chủ yếu theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng bè nuôi làm từ vật liệu gỗ truyền thống, không chịu được sóng to, gió lớn.
Do đó, tỉnh Ninh Thuận cần tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản biển theo hướng phát triển nuôi biển công nghiệp, áp dụng công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới, công nghệ kiểu nuôi Na Uy, quản lý chặt chẽ vùng nuôi tại các địa phương cũng như phát triển chuỗi liên kết trong hoạt động nuôi thủy sản thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn.