Theo thời gian số lượng đã tăng nhanh chóng; trong số đó, có nhiều cơ sở đã gây cản trở giao thông đường thủy, gây ô nhiễm môi trường nuôi cục bộ.
Chính vì vậy, yêu cầu bức thiết các địa phương phải di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép, nằm ngoài vùng quy hoạch để thuận tiện cho việc tàu, thuyền lưu thông vào các bến cảng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè trên địa bàn tỉnh lần này nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe của thủy sản nuôi, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thuận lợi cho quản lý nhà nước, cũng như kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
Khó mấy cũng phải làm
Sông Mỏ Nhát bắt đầu từ cửa Ông Bền thành phố Vũng Tàu đến cảng Đức Hạnh thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ, có chiều dài 10,4km, rộng trung bình hơn 90m, sâu trung bình hơn 5m, thuận tiện cho vận tải đường thủy. Theo quy hoạch phát triển hệ thống logistics do Chính phủ phê duyệt, hai bên bờ sông Mỏ Nhát thuộc địa bàn quản lý của UBND thị xã Phú Mỹ nằm trong quy hoạch Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Nơi đây sẽ phát triển hệ thống cảng thủy nội địa, cảng trung chuyển hàng hóa đường biển, trung tâm dịch vụ logistics và Khu công nghiệp Phú Mỹ 3.
Từ nhiều năm qua, các cảng, bến tập kết vật liệu xây dựng đã hình thành ở đoạn thượng lưu sông. Gần đây, một số dự án logistics cũng dần hoàn thiện, hoặc đang trong quá trình kiểm kê, đền bù mặt bằng. Thế nhưng, việc chiếm dụng mặt sông và vùng đất ngập nước hai bên bờ nuôi thủy sản lồng bè tự phát tồn tại nhiều năm nay gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng các dự án, làm mất cơ hội khai thác hiệu quả, khoa học nguồn tài nguyên đất mặt nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 26/3/2021 của UBND tỉnh về sắp xếp khoanh vùng nuôi thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông giai đoạn 2021 - 2025, sông Mỏ Nhát không có quy hoạch vùng nuôi. Do vậy, UBND thị xã Phú Mỹ thống nhất sẽ áp dụng biện pháp mạnh nếu người dân không chấp hành tự di dời. Theo thống kê của UBND thị xã Phú Mỹ, trên sông Mỏ Nhát có khoảng 160 lồng bè bao chiếm mặt nước nuôi cá, tôm, hàu trái phép tập trung tại địa bàn phường Phước Hòa và xã Tân Hòa.
Còn tại thành phố Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn thành phố có 125 hộ nuôi trồng thủy hải sản nằm ngoài vùng quy hoạch đang thuộc diện di dời vào đúng khu vực quy hoạch để trả lại mặt sông, giúp tàu thuyền lưu thông qua lại dễ dàng hơn. Trong số đó, các khu vực có lồng bè nằm ngoài vùng quy hoạch hiện đang tập trung nhiều ở sông Dinh đoạn phường Rạch Dừa, phường 12 và xã Long Sơn; khu vực sông Rạng thuộc xã Long Sơn.
Các lồng bè nuôi thủy sản nằm ngoài quy hoạch chủ yếu liên quan đến luồng giao thông đường thủy, do phần lớn các bè nuôi nằm ngoài quy hoạch hiện là các tuyến giao thông huyết mạch đường thủy và hàng hải. Đối với môi trường nước, do số lượng lồng bè tăng nhanh các nguy cơ có thể xảy ra do không được kiểm soát chặt chẽ như: ô nhiễm nguồn nước từ thức ăn cho hải sản nuôi dư thừa; dư lượng kháng sinh trong quá trình nuôi không được quản lý thải ra môi trường; tăng lượng bùn hữu cơ ở lớp đáy….
Chính vì vậy, việc di dời lồng bè là việc làm rất cần thiết hiện nay. Từ giữa năm 2020 đến nay, UBND thành phố Vũng Tàu đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản ngoài khu vực quy hoạch trên địa bàn. UBND thành phố giao UBND các phường, xã kiểm tra, ngăn chặn và có biện pháp chấm dứt tình trạng các hộ dân tự ý lấn chiếm diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản tại các khu vực đã được quy hoạch. Đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với những hộ đã nuôi trồng thủy sản tại khu vực nói trên. Đến nay, thành phố Vũng Tàu đã tổ chức cưỡng chế, di dời 39 lồng bè, còn 86 bè lồng bè chưa di dời.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Để khai thác, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, phục vụ phát triển bền vững, từ năm 2017, UBND thị xã Phú Mỹ đã bắt đầu tuyên truyền, vận động người dân có các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên sông Mỏ Nhát tự di dời ô lồng, công trình nuôi thủy sản trái phép lấn chiếm luồng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho hay, các đoàn công tác do các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền thị xã, xã Tân Hòa và phường Phước Hòa – nơi có nhiều cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trái phép, đã nhiều lần tới các lồng bè thuyết phục, đề nghị hộ dân ký cam kết không thả giống mới. Sau vụ thu hoạch phải di dời phương tiện, trả lại vùng nước đã lấn chiếm trái phép. Khi được vận động, ai cũng cam kết nuôi hết lứa rồi tự tháo gỡ để tận thu tài sản. Đến nay đã có 32/42 cơ sở nuôi thủy sản đã tự nguyện di dời, 4 cơ sở đang thực hiện tháo dỡ dần, các cơ sở còn lại chưa thực hiện tháo dỡ đang được chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện việc di dời.
Ông Lê Minh Cường, hộ nuôi thủy sản lồng bè có quy mô lớn trên sông Mỏ Nhát thuộc địa bàn xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ cũng đang tiến hành việc tự tháo gỡ. Ông Cường cho biết, gia đình ông đã tìm được điểm nuôi mới bên sông Chà Và, thành phố Vũng Tàu, nhưng diện tích nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích hiện tại nên ông phải thiết kế lại ô lồng cho phù hợp. Hiện nay, ông đang huy động nhân công để tháo dỡ lồng bè để di dời. Ông rất mong có sự hỗ trợ của nhà nước 1 phần nào đó về kinh phí di dời.
Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Vũng Tàu đã vận động 54/86 chủ bè nuôi trồng thủy sản di dời. Kết quả, đã có 31 chủ bè cam kết sẽ di dời trong thời hạn quy định. Cơ quan chức năng thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động di dời đến các cơ sở còn lại. Trường hợp nào sau thời gian tuyên truyền, ký cam kết mà không thực hiện tự nguyên di dời chính quyền địa phương thành phố Vũng Tàu sẽ thực hiện cưỡng chế. Dự kiến đến cuối tháng 4, thành phố sẽ hoàn thành việc di dời.
Anh Nguyễn Đình Tuấn, ngụ tại phường 12, thành phố Vũng Tàu đã nuôi thủy sản lồng bè ở khu vực sông Dinh cách đây 7 năm. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng của gia đình anh là 1.200m2 nằm ngoài khu quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh. Gia đình anh đã ký cam kết tự nguyện tháo dỡ lồng bè nhưng hiện nay anh vẫn loay hoay vì chưa tìm được điểm địa mới để di dời lồng bè, nên gia đình anh rất mong được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm địa điểm mới hoặc chuyển đổi nghề.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cho biết, chủ trương của thành phố là đẩy mạnh tuyền truyền để người dân tự giác tháo dỡ, trường hợp người dân không tự nguyện sẽ áp dụng biện pháp mạnh cưỡng chế để di dời. Rút kinh nghiệm từ việc tổ chức cưỡng chế lồng bè tại phường Thắng Nhất và phường Rạch Dừa, thành phố sẽ bố trí lực lượng hợp lý, chuẩn bị đầy đủ phương tiện khi tiến hành cưỡng chế, cố gắng hoàn thành trong quý II/2022.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua việc nuôi trồng thủy sản lồng bè đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên việc ồ ạt phát triển các cơ sở lồng bè gây cản trở giao thông đường thủy, gây ô nhiễm môi trường cục bộ… yêu cầu cấp thiết ngành nông nghiệp phải quy hoạch sắp xếp lại các cơ sở lồng bè. Việc sắp xếp dựa trên yêu cầu không chạy theo số lượng, sản lượng mà phát triển thủy sản của tỉnh theo chất lượng, có giá trị kinh tế với các vùng nuôi tập trung có cấp mã số.