Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ngành nông nghiệp địa phương luôn được đặt ở vị trí trung tâm, tỉnh đã tiến hành quy hoạch ngành với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tỉnh cũng xác định vai trò tham gia đầu tư của doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính dẫn dắt và gắn kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất bền vững. Theo đó, các địa phương trong tỉnh tích cực xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản.
Điểm chung của các huyện, thị: Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM không chạy theo thành tích, mà phải đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Tháng 6/ 2023, Xuân Lộc trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh và nằm trong top 3 huyện NTM đầu tiên được chọn là mô hình điểm trong xây dựng huyện NTM kiểu mẫu của cả nước.
Trong buổi lễ vinh danh, các lãnh đạo cao nhất của huyện chia sẻ, Xuân Lộc là huyện thuần nông nên lấy tái cơ cấu nông nghiệp làm trọng tâm xây dựng NTM với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất, từ lao động đi ra và lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”.
Kết quả, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất tuyệt vời với những “vua tiêu”, “vua bắp”... được cả nước và thế giới vinh danh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Xuân Lộc cũng trở thành “thủ phủ” chăn nuôi mới của tỉnh theo hướng chăn nuôi công nghệ cao, an toàn gắn với chuỗi liên kết.
Trảng Bom là huyện được chọn thí điểm xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, nên đang nỗ lực thực hiện song song 2 mục tiêu hoàn thành huyện NTM nâng cao vừa lên thị xã vào năm 2025. Theo lãnh đạo huyện, trong sản xuất nông nghiệp, Trảng Bom định hướng phát triển theo hướng quy mô hàng hóa lớn, bền vững, nên rất quan tâm thu hút đầu tư các dự án cánh đồng lớn, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn và chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây điều và ca cao tại xã An Viễn, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được 12 chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và cây trồng.
Toàn tỉnh vào cuộc xây dựng NTM
Trong những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM được Đảng bộ Đồng Nai chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với nhiều văn bản, chủ trương đã được ban hành như: Kết luận số 279/KL-TU ngày 18/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tinh ủy…
Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 9/2023/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025. Năm 2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024…
Nhờ sự quan tâm đặc biệt này, Chương trình xây dựng NTM Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị. Đến tháng 9/ 2024, toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện hoàn thành huyện NTM nâng cao, 57 khu dân cư kiểu mẫu. Dự kiến năm 2024, sẽ có thêm 7 xã NTM nâng cao, 6 xã NTM kiểu mẫu và 2 huyện trình hồ sơ đánh giá đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có hơn 230 chuỗi liên kết, hơn 200 hợp tác xã nông nghiệp và hơn 1.300 trang trại, góp phần nâng giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của tỉnh.
Nông thôn Đồng Nai đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các mặt như: Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển đồng bộ, kết nối giữa các trung tâm, hệ thống trường học cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, hệ thống y tế đạt chuẩn, môi trường sinh thái có bước cải thiện; đặc biệt diện mạo nông thôn đến sản xuất có bước phát triển rõ nét.
Chất lượng giáo dục, y tế, ở nông thôn ngày càng được nâng cao; các giá trị văn hóa tinh thần được gìn giữ, phát huy. Ngoài các tiêu chí “cứng”, Đồng Nai cũng chú ý đến các tiêu chí về môi trường xanh - sạch - đẹp cũng rất được chú trọng, thể hiện rất rõ trong các khu dân cư kiểu mẫu. Với 57 khu dân cư kiểu mẫu và 121 khu dân cư bảo vệ môi trường, người dân đã biết phân loại rác tại nguồn, giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm chút cây cảnh sạch đẹp trong nhà, trong xóm và chung tay dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, chăm sóc giữ cho các tuyến đường làng luôn sạch, đẹp.
Quyết sách quan trọng hơn cả chính là tỉnh Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu cao về tăng thu nhập cho người dân; cụ thể, mục tiêu đặt ra năm đến năm 2025 phải tăng lên mức 88 triệu đồng. Hiện nay, tại các xã NTM cá biệt như xã Phú Tân (huyện tân Phú), mức thu nhập bình quân người dân đã ngoài 90 triệu đồng/năm.