Nhiều địa phương có thêm giải pháp thích ứng với diễn biến mới của dịch COVID-19

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, từ 0 giờ ngày 10/8, tỉnh thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Chú thích ảnh
Đón người vào khu cách ly tập trung cơ sở tại trường Tiểu học Trần Phú, xã Suối Rao, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Đây cũng là phương án để giảm áp lực tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, giảm việc lây chéo trong khu cách ly tập trung. 

Theo đó, về quy định thí điểm, tỉnh chỉ áp dụng thực hiện cách ly F1 tại nhà với 7 nhóm đối tượng: Trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là người tiếp xúc gần với các trường hợp F0 nhưng không có người chăm sóc, phải ở cùng cha hoặc mẹ; cha hoặc mẹ là F1 nhưng là người giám hộ duy nhất chăm sóc con là trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi; người tiếp xúc gần là phụ nữ có thai, người già từ 70 tuổi trở lên (hoặc từ 65 tuổi trở lên có bệnh nền), người khuyết tật, trẻ em, người bị bệnh hoặc người có sức khỏe yếu phải có người chăm sóc. Người mắc bệnh ung thư có xác nhận của bệnh viện; người tiếp xúc gần đề nghị được cách ly một mình một nhà, đảm bảo khả năng tự chăm sóc, có sức khoẻ; nhóm dưới 4 người cùng gia đình, cùng chuỗi lây nhiễm, đề nghị được cách ly cùng một nhà riêng biệt, tự chăm sóc nhau, mỗi người một phòng có nhà vệ sinh riêng cũng sẽ được thí điểm cách ly tại nhà.

Nhóm các đối tượng đặc biệt khác, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp huyện xin ý kiến chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quyết định.

Yêu cầu nhà ở sử dụng làm nơi cách ly phải là nhà biệt lập ở nông thôn hoặc thành thị, sân vườn, tường rào hoặc hàng rào cách biệt với hàng xóm xung quanh ít nhất 4m; nhà liền kề nhưng có sân, cổng, rào ngăn với các nhà xung quanh, tiếp giáp vách bên ngoài các tầng.

Quy định cũng yêu cầu người ở cùng để chăm sóc F1 phải thực hiện cam kết, không di chuyển khỏi nhà, chấp hành nghiêm 5K, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 giống như F1 đang cách ly tại các khu cách ly tập trung; không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian cách ly y tế (trừ nhân viên y tế)…

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị, các địa phương triển khai kịp thời việc chuẩn bị cách ly F1 tại nhà đối với những đối tượng theo quy định nêu trên, định kỳ 10 ngày, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và sẽ có lộ trình cho các bước tiếp theo.

*Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai xây dựng kế hoạch đón công dân về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc yêu cầu các địa phương hỗ trợ cần thiết về đời sống, để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” thì tỉnh Lâm Đồng đã tạm hoãn triển khai kế hoạch này.

Theo đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về. Cụ thể, sáng 5/8, UBND thành phố Đà Lạt đã có văn bản hỏa tốc số 4979/UBND-VX yêu cầu Thành đoàn Đà Lạt và UBND các phường, xã trên địa bàn khẩn trương thông báo việc tạm dừng tiếp nhận công dân có nhu cầu trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. UBND thành phố Đà Lạt cũng giao cho các phường, xã, trên địa bàn tiếp tục rà soát, chăm lo giúp đỡ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, mà người thân của họ đang ở vùng dịch bệnh chưa thể về chăm sóc. Thành phố Đà Lạt đã huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tại các phường, xã hỗ trợ người dân tại địa phương đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trước đó ngày 29/7/2021, TTXVN đã đưa tin Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc về việc hỗ trợ các đối tượng ưu tiên là công dân của tỉnh đang có dịch về địa phương. Chủ trương của tỉnh Lâm Đồng là ưu tiên các đối tượng người già yếu, tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em, người ốm đau và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 về phòng, chống dịch COVID-19, đến ngày 5/8, tỉnh Lâm Đồng đã tạm dừng kế hoạch đón công dân của tỉnh về địa phương.

*Nhằm tăng hiệu quả hoạt động phòng, chống dịch, sáng 5/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã tiếp nhận hơn 3,6 tỷ đồng ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh từ 2 doanh nghiệp trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang và các nhà hảo tâm vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Trong đó, Công ty Cổ phần TBS An Giang ủng hộ 3 tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và 300 triệu đồng cùng 1.600 KIT test nhanh cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Thoại Sơn. Viettel chi nhánh An Giang ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh 300 triệu đồng...

Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cho biết, đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận trên 16,6 tỷ đồng, gồm tiền mặt và hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh. Qua đó, đơn vị đã xuất Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh 60 tấn gạo; gần 90 tấn rau, củ quả, thực phẩm, với tổng trị giá gần 1,74 tỷ đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức 3 chuyến hàng đến hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 350 triệu đồng.

Công an huyện Châu Phú phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã chuyển 18 tấn rau, củ, quả đến Công an thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Toàn tỉnh đã tổ chức 110 địa điểm theo mô hình "cửa hàng 0 đồng", "chuyến xe 0 đồng" và "quầy hàng 0 đồng" cung cấp các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ trên 30 nghìn lượt hộ dân, với giá trị trên 5 tỷ đồng.

Nhờ sự quan tâm, chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, đến nay An Giang đã hỗ trợ cho trên 44.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền, hiện vật hơn 40 tỷ đồng…

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sự chỉ đạo đúng, trúng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được kiểm soát tốt. Tính đến 6 giờ ngày 5/8, An Giang có 469 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 3 trường hợp tái dương tính.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và nhiều hoạt động an sinh xã hội để đem lại cuộc sống bình yên, ấm no cho nhân dân.

PV TTXVN tại các địa phương
Cần Thơ chủ động thích ứng với diễn biến mới của dịch
Cần Thơ chủ động thích ứng với diễn biến mới của dịch

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, chiều 3/8, UBND thành phố Cần Thơ ban hành công văn tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân và người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN