Ngày 19/7, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu thực hiện quy định: Doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ở, sản xuất tại chỗ), hoặc bố trí xe ô tô đưa đón người lao động từ nhà đến nơi làm việc để phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã phản ứng khá quyết liệt, vì cho rằng quy định như vậy quá ngặt, gấp, khiến doanh nghiệp không kịp chuẩn bị.
Trước phản ứng của dư luận, ngày 19/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp, xem xét kỹ lưỡng các quy định trên và thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch của các địa phương nhằm bảo đảm tối đa an toàn sản xuất và nhanh chóng dập dịch.
Tuy nhiên, sang ngày thứ 2 (ngày 20/7), lãnh đạo các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các doanh nghiệp đã không còn phản ứng, kêu ca phàn nàn nhiều, vì các quy định đều được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của bộ, ngành chức năng và áp dụng trong hoàn cảnh cấp bách nên không thể đáp ứng cho từng doanh nghiệp.
Thị xã Phú Mỹ có 9/13 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phú Mỹ Nguyễn Long cho biết, Phú Mỹ là địa bàn có nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp rất cao. Ngày 20/7, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa kịp thực hiện “3 tại chỗ”, hay bố trí xe ô tô đưa, đón, đã tuân thủ, cho người lao động nghỉ tại nhà, giảm công suất hoặc dừng hoạt động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang khẩn trương xây dựng lại phương án làm việc, tính toán thực hiện “3 tại chỗ” hoặc tổ chức ca, kíp làm việc, đưa đón công nhân để sớm đưa các công ty, nhà máy trở lại hoạt động.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu, quy định thực hiện “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn nhất cho sản xuất và phòng, chống dịch hiệu quả. Không thực hiện được “3 tại chỗ”, doanh nghiệp thực hiện đưa, đón công nhân bằng xe ô tô là phương án để nếu có xảy ra lây nhiễm thì chỉ hạn chế trong phạm vi nhỏ, không lây lan trong khu công nghiệp và ngoài cộng đồng.
Chính vì vậy, sáng 20/7, không còn tình trạng ùn ứ công nhân tại các chốt kiểm soát trước Khu công nghiệp Đông Xuyên và Cảng hạ lưu PTSC như ngày 19/7, cho thấy các doanh nghiệp đã chấp hành quy định của địa phương. Qua kiểm tra, ngày 20/7, Khu Công nghiệp Đông Xuyên còn 28/75 doanh nghiệp hoạt động, nhưng có thể số doanh nghiệp hoạt động trở lại sẽ tăng trong vài ngày tới.
Trước sự kiên quyết của chính quyền huyện Châu Đức, ngày 20/7, các doanh nghiệp tại 2 khu công nghiệp trên địa bàn với khoảng 13.000 lao động cũng đã chấp hành các quy định và đang khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm an toàn phòng dịch cho người lao động, để sớm được các cơ quan chức năng chấp thuận đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Theo doanh nghiệp quản lý Cảng hạ lưu PTSC, quy định “3 tại chỗ” hoặc đưa, đón người lao động bằng xe ô tô đến chỗ làm, đã gây rất nhiều khó khăn cho các công ty đang hoạt động trong cảng, nhất là những công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí có yêu cầu công việc rất căng về thời gian.
Tuy nhiên, trước nguy cơ dịch bệnh, yêu cầu của chính quyền địa phương, các công ty đã tìm cách để thích ứng như sắp xếp khối văn phòng làm việc tại nhà, tổ chức làm việc theo từng nhóm, tổ chức “3 tại chỗ” cho khối lao động tại công trường và đưa, đón một phần công nhân cho các bộ phận thiết yếu…
Dù năng lực sản xuất, công suất, quy mô đã giảm rất nhiều nhưng 2 ngày qua, toàn bộ 60 công ty trong khu vực Cảng hạ lưu PTSC vẫn duy trì hoạt động với hy vọng sau 14 ngày, thành phố Vũng Tàu khống chế được dịch COVID-19, dừng việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg, sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất trên địa bàn.