Chiều 28/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ra Văn bản số 2505/UBND-KGVX đề nghị người dân trong tỉnh không ra khỏi nhà, nhất là thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, nếu không thuộc trường hợp cấp thiết như cấp cứu, hỏa hoạn, thiên tai, điều trị bệnh, mua thuốc men. Thời gian áp dụng kể từ 18 giờ ngày 28/7 đến hết ngày 1/8/2021.
Quy định cũng ngoại trừ các lực lượng thực thi công vụ; người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm duy trì các hoạt động công cộng; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vật tư phục vụ sản xuất, xây dựng, hàng hóa xuất nhập khẩu, phục vụ phòng, chống dịch, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống thiên tai.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thiết lập và công bố ngay đường dây nóng (trực 24/24 giờ) để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị chính đáng, cấp thiết của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời, rà soát, chấn chỉnh và tiếp tục thực hiện hình thức phát phiếu cho các hộ dân mua hàng hóa thiết yếu theo khung thời gian từ 7 giờ đến trước 16 giờ hằng ngày; cấp phát phù hiệu phản quang để nhận diện người giao hàng (shipper) được phép hoạt động.
Các ngành chức năng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường các trạm, chốt và tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên giám sát chặt việc chấp hành quy định giãn cách xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.
Từ 18 giờ ngày 27/7 đến 12 giờ ngày từ 28/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 110 ca dương tính với SARS-COV-2 ngoài cộng đồng. Đáng chú ý, hiện nhiều ca tại Tây Ninh được phát hiện mới tại các khu công nghiệp liên quan đến công nhân như Công ty da Đức Tín, Công ty Zahaowen tại Khu Công nghiệp Thành Thành Công; Công ty Sailun, Công ty Bllion và Công ty Baikai tại Khu Công nghiệp Phước Đông.
Kể từ khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (ngày 8/7) đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 318 trường hợp, với số tiền phạt gần 600 triệu đồng...
* Trước tình trạng số ca F0 mới trong các cơ sở cách ly tập trung chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số ca mắc mới và có nguyên nhân từ lây nhiễm chéo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã rà soát, đánh giá lại để xây dựng giải pháp khắc phục.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế, các đơn vị liên quan cùng các địa phương trong tỉnh thiết lập ngay hệ thống mới cho các cơ sở cách ly tập trung. Hệ thống mới phải đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định, quy trình về an toàn phòng, chống dịch cho những F1 đang cách ly, đồng thời chuyển bớt các F1 tại các cơ sở cách ly tập trung có mật độ lớn sang các cơ sở cách ly tập trung mới để đảm bảo khoảng cách an toàn.
Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa ra các phương án, giải pháp cụ thể để khắc phục những bất cập bên trong các cơ sở cách ly tập trung như chia thành từng khu, lô riêng biệt đảm bảo khoảng cách phù hợp và có Ban quản lý hoặc ban điều hành riêng; phân tách các đợt tiếp nhận F1 mới, cũ; bố trí giờ ăn xen kẽ; giám sát việc chấp hành quy định của các F1 bằng camera; lắp loa phát thanh nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách, thực hiện “5K”; phát tờ rơi cung cấp thông tin cho các F1 nắm các quy định, quy trình phòng dịch, dấu hiệu nhận biết nếu trở thành F0… Khi có ca F1 thành F0 thì phong tỏa, phun khử khuẩn theo quy trình.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 32 cơ sở cách ly tập trung với sức chứa hơn 7.600 người; trong đó, 26 cơ sở cách ly tập trung theo Quyết định số 878/QĐ-BYT và 6 khách sạn hiện đang cách ly hơn 3.000 người.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh, ngày 28/7, Bà Rịa-Vũng Tàu có 34 ca mắc mới, trong đó 18 ca trong các cơ sở cách ly tập trung.
* Chiều 28/7, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện số trường hợp F1 của tỉnh còn khá lớn, đang cách ly tập trung 21 ngày và theo dõi sức khỏe 7 ngày tại nơi cư trú đối với người ngoài tỉnh trở về địa phương. Các trường hợp đã hoàn thành cách ly tại các tỉnh, thành phố khác trở về sẽ tiếp tục cách ly tập trung 14 ngày tại khu cách ly tập trung.
Bởi vậy, ngành Y tế phụ trách sàng lọc người đang cách ly tập trung, phân loại nguy cơ để xác định người và thời gian cách ly hợp lý, tránh quá tải khu cách ly tập trung nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch, sẵn sàng đón người có nhu cầu từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hậu Giang.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành chủ động chuẩn bị cung ứng, lưu thông các mặt hàng thiết yếu cho người dân, tiêu thụ hàng hóa để sẵn sàng chuẩn bị tình huống có thể kéo dài việc thực hiện giãn cách. Các chợ truyền thống đã gỡ phong tỏa có thể hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng trục lợi từ chính sách.
Cũng trong ngày 28/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phân công cơ quan đầu mối lập danh sách người dân ở Hậu Giang có nhu cầu trở về tỉnh, tạo điều kiện xét nghiệm tập trung trước khi về Hậu Giang; bố trí địa điểm tập kết để tỉnh bố trí xe đón.
Tính đến 12 giờ ngày 28/7, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 155 trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19; đã điều trị khỏi cho 22 ca.