Xã Kon Thụp có trên 1.500 hộ dân sinh sống, với gần 6.200 nhân khẩu. Tỉnh lộ 666 đi qua xã Kon Thụp có tổng chiều dài gần 8 km, trong đó 2 km đi ngang trung tâm xã tập trung các hộ dân ở đông nhất tại làng Groi và làng Chuk, với hơn 230 hộ dân, gần 800 nhân khẩu.
Nhiều năm qua, người dân khu vực xã Kon Thụp và một số xã khó khăn lân cận thuộc huyện Mang Yang phải chịu nhiều thiệt thòi vì tỉnh lộ 666 rất khó đi, mùa nắng đường gập ghềnh đất đá, “ổ voi”, “ổ gà” chi chít, dân sống 2 bên đường phải che bạt ngăn bụi. Đến mùa mưa, tuyến đường này trở nên lầy lội, có đoạn không đi được khiến người dân phải để xe lại đi bộ hoặc vòng qua xã khác để tìm đường đến khu sản xuất, học tập, lao động.
Năm 2016, tỉnh lộ 666, tuyến đường liên huyện Mang Yang - Ia Pa được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, đoạn qua xã Kon Thụp mặc dù đã được rải nhựa nhưng vẫn chưa có cống thoát nước, gây khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt cho người dân 2 bên đường.
Theo ông Cao Minh Quang, xã Kon Thụp, mỗi khi có cơn mưa, do không có cống thoát nên nước chảy ào ạt ra đường, bà con lội ngập đến đầu gối, đồng thời nước mưa cuốn theo rác rưởi nhiều khu vực ra trước đường gây mất mỹ quan khu dân cư. Đến mùa nắng hạn, con đường này đầy bụi khiến nhiều nhà dân phải che bạt. Đặc biệt, do không có cống thoát nước, tất cả các loại nước thải sinh hoạt của người dân đều đổ ra ngoài đường, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Huỳnh Văn Nhân, xã Kon Thụp cho hay, nhiều năm nay, người dân xã Kon Thụp đã chịu cảnh bụi bặm, ngập úng, ô nhiễm môi trường do đoạn đường không có cống thoát nước. Đây cũng là sự trở ngại trong giao thương, buôn bán, kinh doanh của các hộ dân sống ngoài mặt đường. Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân nơi đây đã tập trung ý kiến, yêu cầu chính quyền địa phương có phương án tháo gỡ vướng mắc, ổn định cuộc sống, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân sống gần mặt đường. "Chúng tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm, đầu tư cống thoát nước để bà con ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển chung của xã Kon Thụp cũng như huyện Mang Yang", ông Huỳnh Văn Nhân nói.
Tỉnh lộ 666 đoạn qua xã Kon Thụp, huyện Mang Yang có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của xã Kon Thụp. Đây là tuyến đường đi ngang qua khu dân cư đông đúc với hầu hết các hộ kinh doanh, buôn bán. Đây cũng là điểm dừng của tuyến đường vận chuyển nông sản từ huyện Ia Pa ra khu tiểu thủ công nghiệp Đăk Jrăng của huyện Mang Yang (Gia Lai).
Theo ông Lương Đình Lực, Chủ tịch UBND xã Kon Thụp, để xứng tầm với mục tiêu là đô thị loại 5 vào năm 2025 như mục tiêu đã đặt ra, khu dân cư Kon Thụp đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí cần thiết, đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Với chức năng là trung tâm cấp huyện về phát triển kinh tế, Kon Thụp dành 80% diện tích đất (trong tổng diện tích gần 6.000 ha) cho các doanh nghiệp lớn phát triển khu chăn nuôi, trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, với việc tiếp giáp các xã Lơ Pang, Kon Chiêng, Đăk Trôi (huyện Mang Yang), xã Trang, xã Đê Ar (huyện Đăk Đoa), Kon Thụp còn nắm vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cụm liên xã này. Do vậy, việc xây dựng cống thoát nước cho con đường đi qua trung tâm xã là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe, môi trường sống cho người dân xã Kon Thụp.
Là một tỉnh miền núi khó khăn, tỉnh Gia Lai còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, để các địa phương phát triển xứng tầm, kéo theo sự đi lên của những khu vực lân cận, Gia Lai cần sớm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công trình giao thông để thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.