Ngăn chặn sự xâm lấn của cây Mai Dương tại Vườn Quốc gia Bến En

Để ngăn chặn sự xâm lấn của loài thực vật Mai Dương, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy chức năng tổng hợp của hồ sông Mực, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện dự án khoa học Áp dụng biện pháp hóa, sinh học để ngăn chặn sự xâm lấn của cây Mai Dương (Mimosa pigra L.) trên khu vực lòng hồ sông Mực, Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2017-2020).

Chú thích ảnh
Loài Mai Dương mọc dày đặc ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Ảnh: TTXVN phát

Tính đến tháng 7/2020, dự án đã diệt trừ loài thực vật xâm lấn Mai Dương và phục hồi được 322,0 ha đất vùng bán ngập bị loài Mai dương xâm lấn trên lòng hồ sông Mực.

Theo ông Nguyễn Quang Sỹ, Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, sau 3 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã tập huấn cho 20 cán bộ về cách tiếp nhận, chuyển giao quy trình diệt trừ Mai Dương; lựa chọn công thức dung dịch phun là 1 lít nước, 60 gam NaCl, 4ml Tween 20 để thực hiện các biện pháp gồm phát, đốt, phun dịch diệt trừ thành công loài Mai Dương trên diện tích 322,0 ha.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En tổ chức các hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho 500 người dân thuộc 10 thôn sống xung quanh khu vực hồ sông Mực về tác hại của cây Mai Dương, các nguy cơ và biện pháp phòng tránh, ngăn chặn. Ban Quản lý Vườn xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý cây Mai Dương gồm: Bản đồ phân bố cây Mai Dương, đĩa VCD giới thiệu và tờ rơi tuyên truyền, bộ số liệu gốc về loài Mai Dương, hình ảnh hiện trạng, phân bố, tình trạng khi thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Chú thích ảnh
Phun dung dịch (Nacl+Tween20) để diệt trừ Mai Dương ở thời điểm Mai dương đang ra hoa ở vùng bán ngập hồ sông Mực. Ảnh: TTXVN phát

Dự án này đã giúp Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En xây dựng được cơ sở dữ liệu để quản lý sự xâm lấn của cây Mai Dương, làm cơ sở quan trọng để triển khai các biện pháp quản lý, ngăn chặn tái xâm lấn trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, bảo vệ diện tích đất sản xuất, nâng cao năng suất và nguồn lợi trên diện tích đất canh tác, bảo vệ được nguồn lợi kinh tế từ đa dạng sinh học mang lại.

Việc ngăn chặn sự xâm lấn của Mai Dương trên lòng hồ sông Mực còn có ý nghĩa rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp của 3 huyện Như Thanh, Nông Cống và Tĩnh Gia về chống hoang hóa đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho người dân, tạo thêm việc làm cho 200 người dân trong vùng khi tham gia dự án.

Đồng thời, Dự án làm tăng diện tích môi trường sống, khu vực kiếm ăn cho các loài thú thuộc bộ Móng Guốc thông qua việc phục hồi các bãi cỏ tự nhiên trên vùng bán ngập; phục hồi môi trường sống, khu vực kiếm ăn cho các loài chim nước sinh sống định cư, di cư, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước.

Chú thích ảnh
Loài Mai xâm lấn trên vùng hồ sông Mực của Vườn Quốc gia Bến En. Ảnh: TTXVN phát

Thời gian tới, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En sẽ tiếp tục đề nghị Nhà nước cấp thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện biện pháp diệt trừ, ngăn chặn sự tái xâm lấn của loài Mai Dương trên lòng hồ sông Mực trên diện tích 120,45 ha chưa được diệt trừ; thực hiện trồng rừng trên các vùng đất bán ngập nước đã diệt trừ loài Mai Dương và khu vực xung quanh lòng hồ vừa tạo cảnh quan, vừa ngăn chặn sự tái xâm lấn của Mai Dương. Ban Quản lý Vườn tổ chức cho người dân diệt trừ cây Mai Dương thông qua biện pháp nhổ, chặt bỏ ngay khi cây còn non và mức độ xâm lấn còn ít.

Chú thích ảnh
Loài Mai Dương mọc dày đặc ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En, Mai Dương là cây bụi thân gỗ, thân có chiều cao đến 6 mét, phân rất nhiều nhánh và cành có nhiều gai nhọn. Loài cây này mọc tại Vườn Quốc gia Bến En có mật độ từ 20.994 - 99.447 cây/ha. Cây thường mọc ở đất ẩm ướt ven khe suối, ven bờ, vùng bán ngập nước theo mùa. Tổng diện tích bị cây Mai Dương xâm lấn ở khu vực lòng hồ sông Mực, Vườn Quốc gia Bến En là 442,45 ha, trong đó diện tích cây Mai dương phân bố dày đặc là 322,0 ha, phân bố rải rác là 120,45 ha.

Loài cây này có khả năng phát tán, phát triển nhanh ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, những nơi cây Mai Dương mọc hầu như không có loài cây nào cạnh tranh được, do đó thường tạo thành vùng thuần loài. Sự xâm lấn của cây Mai Dương bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như mực nước hồ, địa hình và hiện trạng lập địa.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học Vườn quốc gia Núi Chúa – Ninh Thuận
Bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học Vườn quốc gia Núi Chúa – Ninh Thuận

Là nơi hội tụ của ba không gian rừng, biển và bán sa mạc, Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) đang là điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu về những bí ẩn của hệ sinh thái khô hạn độc đáo nhất ở Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN