Bảo tồn và phát triển cây quý Vù hương tại Vườn quốc gia Bến En

Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã thực hiện dự án khoa học Bảo tồn, phát triển loài Vù hương nhằm duy trì, phát triển loài cây quý trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng về nguồn gen.

Cây Vù Hương lúc mới trồng (ảnh do Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En cung cấp). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Trong khuôn khổ dự án, từ 11 cây Vù hương mẹ đã nhân ra 6.053 cây con, trong đó 5.600 cây được nhân bằng hom, 453 cây được nhân bằng di thực cây.

Vù hương (Cinnamomum balansae Lecomte) thuộc họ Long não, là loài thực vật đặc hữu thường mọc rải rác ở khu vực đồi núi thấp như Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương, Bến En. Cây có chiều cao từ 15-20 m, đường kính rộng, thân gỗ lớn. Đây là loài đa tác dụng, giá trị cao, được sử dụng rộng rãi trong ngành y, dược, thân cây có thể dùng để chế tác đồ gỗ, gia dụng, mỹ phẩm.

Do khả năng tái sinh hạt kém, lại thường bị người dân khai thác trái phép để lấy gỗ, thậm chí còn đào cả gốc rễ để lấy tinh dầu, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng, chất lượng cá thể loài Vù hương trong tự nhiên.

Trước những nguy cơ đang đe dọa loài thực vật quý trên, nhóm nghiên cứu khoa học (Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En) đã triển khai dự án khoa học “Bảo tồn và phát triển loài Vù hương tại Vườn quốc gia Bến En” để duy trì, phát triển số lượng cây. Dự án này được thực hiện trên 14.374 ha rừng Bến En, thuộc địa phận hành chính 2 huyện Như Thanh và Như Xuân.

Kết quả điều tra trên 12 tuyến với chiều dài 37,18 km cho thấy: Vù hương có mặt trên cả 12 tuyến điều tra, bắt gặp nhiều nhất tại khu rừng Xuân Bái, Sông Chàng, Đồng Thổ. Tần suất bắt gặp loài Vù hương trung bình 0,89 km, nhiều nhất là tuyến số 4 với tần suất 2,06 km, tổng số cây Vù hương cao lớn được nhóm nghiên cứu phát hiện là 20 cây, trong đó có 7 cây đường kính từ 30 cm trở lên.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, cây Vù hương rất khó tái sinh khi đã bị khai thác, bởi trong 12 tuyến điều tra chỉ có 2 tuyến có xuất hiện cây Vù Hương tái sinh là tuyến số 1 và số 5. Cây Vù hương chỉ tái sinh chồi trên cùng 1 gốc cây mẹ hoặc tái sinh từ hạt dưới gốc 1 cây mẹ.

Cây Vù Hương đã trưởng thành (ảnh do Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En cung cấp). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN phát

Trước những kết quả điều tra trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các giải pháp bảo tồn loài thực vật quý; bàn giao bản đồ, hồ sơ các tuyến điều tra, OTC định vị, tiểu khu và 11 cây Vù hương mẹ cho hạt Kiểm lâm quản lý, liên tục tuần tra 12 tuyến điều tra có loài Vù hương phân bố, không để người dân thả trâu, bò vào các khu rừng Bến En, làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của loài Vù hương.

Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En Lê Đình Phương cho biết: Thời gian tới, vườn sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, bảo tồn loài Vù hương trên các tuyến điều tra, ô định vị, trồng bổ sung loài Vù Hương tại khu vực trồng Lim xanh thuộc dự án Canon trên diện tích 8 ha; theo dõi sự phát triển của 11 cây mẹ để thu thêm hạt giống phục vụ bảo tồn nguồn gen; qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo tồn các loài thực vật quý, hiếm, nguy cấp, góp phần bảo vệ môi trường rừng sinh thái”.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Điện Biên
Bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Điện Biên

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc, với nguồn tài nguyên thiên thiên phong phú, đa dạng, có tổng diện tích tự nhiên 956.290 ha, trong đó diện tích rừng 760.449,82 ha, chiếm 79,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, độ che phủ rừng đạt 41,12%. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, các khu rừng nơi đây còn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN