Hiện trạng và thách thức Từ năm 2007, tại bản Púng Nghịu, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) xuất hiện một "cây tổ ong" khổng lồ với gần 100 tổ trên cây (chủ yếu là ong khoái). Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, trên địa bàn có hệ sinh thái rừng gồm 948 loài thực vật, trong đó cây gỗ là 279 loài (chiếm 29,4% tổng số các loài). Hiện có 41 loài thực vật được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ - IUCN.
Hệ sinh thái cây bụi, tre nứa có thành phần loài thực vật khá phong phú, với 405 loài, trong đó có 3 loài quý hiếm là kim cang nhiều tán, kim cang petelo và hà thủ ô đỏ. Hệ sinh thái trảng cỏ có 259 loài, ở dạng thứ sinh hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc đốt các trảng cỏ vào mùa khô. Các loài cỏ chính đều thuộc họ hòa thảo như cỏ tranh, lau, trấu, đót…
Bên cạnh đó, hệ động vật cũng đa dạng, bao gồm 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch, nhái. Lớp thú có 55 loài, thuộc 8 bộ, 22 họ, 41 giống. Lớp chim có 188 loài, thuộc 15 bộ, 43 họ, 133 giống; Lớp bò sát có 38 loài, thuộc 2 bộ, 12 họ, 31 giống. Lớp ếch nhái có 14 loài, thuộc 1 bộ, 4 họ, 9 giống.
Ngoài ra, Điện Biên còn có nhiều loài thủy sinh vật, với 174 loài tảo mắt, lục, silic, giáp, vàng…; 79 loài thuộc các nhóm trùng bánh xe, giáp xác râu ngành, xác chân chèo. Đặc biệt, cá có 175 loài thuộc 16 họ, trong đó có loài cá măng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007).
Trong những năm gần đây, dân số trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cùng với quá trình di cư tự do đã dẫn tới tình trạng đốt, phá rừng làm nương; chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thủy lợi, thủy điện, đã phá vỡ hệ sinh thái và sinh cảnh tự nhiên… làm cho đa dạng sinh học bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Nhiều loài thực vật, động vật quý, hiếm như pơ mu, thông tre, sao mặt quỷ, trầm hương, gấu, linh trưởng, niệc cổ hung… đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là hệ thống văn bản, chính sách, hướng dẫn về da dạng sinh học (Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học)… có sự chồng chéo. Đội ngũ cán bộ có chuyên môn về bảo tồn đa dạng sinh học còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm do đó việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế.
Ngoài ra, người dân sống tại vùng đệm khu bảo tồn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo, chủ yếu dựa vào việc khai thác, tài nguyên rừng; trình độ và nhận thức còn hạn chế nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn.
Nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài, nguồn gen; nhu cầu đầu tư trang thiết bị cho phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng chưa được đáp ứng kịp thời.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên đã lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học vào Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường được nâng cao. Diện tích rừng đã được bảo vệ, chất lượng rừng ở nhiều nơi đang tăng lên; nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị cao đã được bảo vệ, gây nuôi...
Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt 9 dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố (riêng huyện Nậm Pồ mới thành lập nên hiện đang xây dựng), làm cơ sở để thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên cũng triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 157.928,95 ha diện tích rừng, đạt 50,7% (tính đến tháng 4/2015).
Nhiều chính sách, văn bản về bảo tồn đa dạng sinh học đã được UBND tỉnh ban hành, như Quyết định số 593/QĐ-UBND phê duyệt Dự án quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 837QĐ-UBND về việc thành lập Ban quản lý Rừng Di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Tăng cường giải pháp bảo tồn Rất nhiều tổ ong trên cây. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN |
Ông Điêu Mộng Hải, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Điện Biên cho biết: Kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020 đã đề ra một số mục tiêu.
Trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; bảo tồn và phát triển sự phong phú của hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Bảo vệ môi trường sống tự nhiên của các loài hoang dã và cảnh quan môi trường; nâng cao công tác quản lý và phát triển, chăm sóc, nhân giống các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị lưu giữ, các loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cảnh quan bị suy thoái nhằm bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen. Nâng cao độ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.