Với những tính chất nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế cao, loại dược liệu này đang bị khai thác, mua bán, sử dụng tràn lan và có nguy cơ ngày càng cạn kiệt nguồn gen. Vì thế, việc bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh đang trở nên cấp bách.
Tỉnh Quảng Nam hiện đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích trên 15.000ha. Hiện nay, đã hình thành và xây dựng 2 Trạm bảo tồn, nuôi trồng, lưu giữ nguồn gen và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện với diện tích trên 20ha (số lượng cây sâm giống gần 250.000 cây).
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán cây rừng trên đỉnh núi có độ cao 1900m - 2000m so với mặt nước biển. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sâm Ngọc Linh được phát hiện ở đỉnh Ngọc Linh từ rất lâu nhưng việc đầu tư, phát triển chưa xứng với tiềm năng, sản phẩm từ sâm chưa nhiều, chuỗi giá trị gia tăng từ sâm Ngọc Linh chưa cao. Quảng Nam xác định phát triển cây dược liệu; trong đó, đặc biệt là sâm Ngọc Linh để phát triển kinh tế, là yếu tố quan trọng của địa phương trong xoá đói giảm nghèo.
Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh được chú trọng và đầu tư, diện tích trồng sâm được mở rộng, đời sống và nhận thức của người dân được nâng lên khá rõ. Tuy nhiên, nhu cầu bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh chưa được chú trọng. Cụ thể là việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm sâm Ngọc Linh; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh cho phù hợp với tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh phải theo hướng đảm bảo chất lượng sản phẩm, sản xuất an toàn; đảm bảo mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững và đa dạng sinh học… cũng chưa được quan tâm.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng, Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để phát triển cây sâm Ngọc Linh, Bộ đã bước đầu phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, thuộc Dự án tổng thể “Hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, canh tác, mở rộng sản xuất và phát triển thương hiệu Quốc gia cho sâm Ngọc Linh”.
Từ đó, tiến tới hoàn thiện quy trình sản xuất giống sâm Ngọc Linh để đáp ứng như cầu phát triển mở rộng diện tích trồng cây sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, xây dựng, hoàn thiện các công nghệ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ sâm Ngọc Linh, phát triển thành hàng hóa chất lượng cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Củ cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đại diện doanh nghiệp tham gia trồng, chế biến sâm Ngọc Linh, ông Tô Mạnh Cường, Giám dốc Công ty TNHH Thái Hòa cho biết, với kinh nghiệm 20 năm tham gia trồng và chế biến từ dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh,Công ty mong muốn trong thời gian tới mở rộng diện tích vườn giống gốc, trồng sâm Ngọc Linh theo hướng bảo nguồn gen vàliên kết trong dân. Đây sẽ là định hướng ưu tiên hàng đầu của công ty vì chỉ phát triển mạnh trong dân thì mới tạo được động lực, sức mạnh phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh.
Theo phương án liên kết, Công ty Thái Hòa sẽ thực hiện một số công việc như: mời chuyên gia của Viện dược liệu hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng, thu hái Sâm Ngọc Linh; cung cấp giống, hỗ trợ bằng cách cung cấp trước, thu sau; bao tiêu sản phẩm thu hái được từ dân; áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nhân giống và trồng Sâm Ngọc Linh; mở rộng sản xuất các sản phẩm có thương hiệu từ Sâm Ngọc Linh…
Hiện tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã có Quy hoạch về việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch diện tích bảo tồn và phát triển sâm là 31.742ha; diện tích trong khu vực vùng lõi trồng sâm Ngọc Linh khoảng 9.343 ha thuộc địa bàn của 8 xã thuộc huyện Tu mơ Rông.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.000ha, với sản lượng ước tính 190 tấn. Đến năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ trồng hết 9.343,6ha với qui mô công nghiệp, hàng năm khai thác bình quân 800ha và từng bước trồng mới trên toàn bộ diện tích đã khai thác.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích trên 15.000 ha. Hiện nay, tỉnh đã hình thành và xây dựng 2 trạm bảo tồn, nuôi trồng, lưu giữ nguồn gen và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện với diện tích trên 20 ha (số lượng cây sâm giống gần 250.000 cây); ngoài ra, phát triển nhân giống và trồng thương phẩm của doanh nghiệp và nhân dân trên 50 ha, với số lượng hơn 400.000 cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Tuy nhiên, để sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp cũng như lãnh đạo các địa phương thì các Bộ, ngành liên quan cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống hàng giả, hàng kém chất lượng; xây dựng nhãn hiệu tập thể về “sâm Ngọc Linh” để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng từ sản phẩm này...