Khó xử lý các nhà yến trong khu dân cư

Ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, xây nhà yến có hiệu quả kinh tế cao, nên thời gian gần đây mô hình này phát triển rất mạnh tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Một cụm nhà nuôi chim yến tự phát tại ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu. 

Việc phát triển nhanh các nhà yến một cách tự phát, thiếu kiểm soát, nhất là chăn nuôi yến trong khu dân cư hiện nay đã gây không ít phiền hà cho người dân. Việc xử lý, di dời (các nhà yến trong khu dân cư) cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể của các cấp cơ quan có thẩm quyền.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 371 hộ chăn nuôi yến với 416 nhà nuôi chim yến trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng, Tân Châu và huyện Tân Biên... 

Hiện có 166/416 nhà yến (chiếm gần 40%) được xây dựng trong khu vực nội thành, nội thị và khu dân cư; trong đó các phường của thành phố Tây Ninh có 13 nhà yến, các phường của thị xã Hòa Thành và thị xã Trảng Bàng có 63 nhà yến, các khu phố của thị trấn có 20 nhà yến, khu dân cư các xã có 70 nhà yến.

Ông Nguyễn Văn Mấy cũng cho biết, đa phần các hộ nuôi chim yến đều mang tính chất tự phát, nhiều nhà nuôi chim yến được xây dựng trên đất nông nghiệp chưa đảm bảo quy định về xây dựng, sử dụng đất sai mục đích; phân chim yến rơi vãi mất vệ sinh và mùi hôi xuất phát từ nhà yến làm ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của các hộ dân sống xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Những hiện tượng phát sinh kể trên, nhất là việc sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ chim yến phát ra ngày đêm, đã gây không ít phiền phức cho người dân sinh sống gần các nhà yến. Nhiều hộ dân bức xúc, đề nghị chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý, di dời các nhà yến này ra khỏi khu dân cư để giữ "bình yên" cho xóm ấp.

Ông Nguyễn Văn Mấy cho biết, nhằm chấn chỉnh hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn, ngày 8/11/2019 UBND tỉnh có Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh và thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp quản lý.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về tạm thời hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, chế biến tổ yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và công văn về việc tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến; tuyên truyền, phổ biến các quy định về nuôi chim yến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý chim yến bằng công nghệ thông tin, thực hiện định vị vị trí các nhà yến trên địa bàn tỉnh. 

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thực hiện các quy định về đất đai đối với các cơ sở nuôi chim yến, thực hiện các quy định về môi trường đối với các cơ sở nuôi chim yến, đồng thời kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, đất đai đối với hoạt động nuôi chim yến...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thừa nhận, các biện pháp kể trên chỉ để áp dụng đối với trường hợp xin chủ trương phát triển mới và bổ sung hồ sơ đối với các cơ sở (nuôi chim yến) đã lỡ xây dựng ngoài khu dân cư.

Còn trường hợp các cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư, nội thị, nội thành thì tỉnh chưa có phương hướng xử lý triệt để do chưa có Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi của các Bộ, ngành Trung ương về vấn đề này. 

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Luật Chăn nuôi, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-UBND của UBND tỉnh. Trong đó có nội dung cấm các cơ sở chim yến cách khu dân cư dưới 300 mét phát loa để dẫn dụ chim yến theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ quy định.

Tin, ảnh: Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
Nghề nuôi yến gặp “đại nạn”
Nghề nuôi yến gặp “đại nạn”

Trong khi người nuôi yến đầu tư tiền tỷ để xây nhà yến, tạo môi trường sinh thái, mất hàng năm trời để chiêu dụ yến về làm tổ thì những người bẫy chim chỉ cần một tấm lưới, một chiếc loa phát âm thanh dụ yến là có thể… bắt được vài chục, thậm chí cả trăm con chim yến mỗi ngày. Những con chim yến “đáng giá nghìn vàng” này sau đó được bán làm mồi nhậu với giá 3000 đồng/con hoặc chết dần chết mòn trong những chiếc lồng chật chội trước cổng đình, chùa… chờ người “thiện tâm” mua làm vật “phóng sinh”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN