Tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh một chú chim yến non chết khô trong tổ, bên cạnh là một cái trứng chim yến không nở được vì thiếu hơi ấm của chim mẹ… những bức ảnh được nhà văn Võ Đắc Danh đăng trên facebook với chú thích “chim mẹ bị giết…” Có lẽ không nơi đâu, chim chóc, muông thú bị truy sát, tận diệt như ở xứ mình. Những hành động mà lẽ ra chỉ nên tồn tại ở thời kì loài người buộc phải sống bằng “săn bắt hái lượm”.
Việc bẫy chim yến bán, làm mồi nhậu đang gây thiệt hại rất … khủng khiếp đối với nghề nuôi chim yến. Mỗi cặp chim yến, thay vì bị giết thịt với giá 3000 đồng, hoặc để chết dần trong lồng phóng sinh, nếu sinh sống ngoài tự nhiên có thể cho 3 chiếc tổ yến mỗi năm. Với giá thị trường hiện nay, mỗi chiếc tổ yến tối thiểu cũng khoảng 200.000 đồng, và với vòng đời khoảng 10 năm, mỗi đôi chim yến có thể cho thu nhập khoảng từ 3-6 triệu đồng, chưa kể chim non được sinh ra, trưởng thành và tiếp tục cho tổ.
Những người nuôi yến cho biết, chim yến là một loài rất tình nghĩa và chung thủy, nên chỉ cần một con bị mắc lưới, cả bầy sẽ lao đến cứu và cùng mắc lưới. Ngay cả một trong hai con (một cặp) còn sống sót thì con còn lại cũng sẽ chết sau đó chứ không có khả năng kết đôi mới để tiếp tục sinh sản. Dù vậy lưới bẫy chim yến vẫn được quảng cáo, bán đầy trên mạng, nhiều “chuyên gia bẫy chim” còn quay cả clip để khoe “chiến tích” và “truyền đạt kinh nghiệm” cách thức tận diệt chim yến bằng lưới.
Đáng buồn hơn là nhiều thực khách vẫn “thưởng thức” món chim yến và các “sản vật” khác như một cách thể hiện sự sang trọng, sành sõi trong ăn uống của mình. Và cũng rất nhiều người vẫn tin rằng mình đang tích lũy công đức, phóng sinh những chú chim, con cá mà quên rằng chúng bị săn bắt, tận diệt từ chính nhu cầu muốn ra tay phóng sinh của họ.
Giáo lý nhà Phật khuyên rằng “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Đây chính là nền tảng căn bản trong quan niệm về phóng sanh, một quan niệm thể hiện tính nhân văn, tôn trọng sự sống của muôn loài. Nếu không phải vì duy trì sự sống của bản thân mà đành phải giết hại con vật khác, nhà Phật khuyên rằng không nên sát hại, hành hạ những con vật khác.
Vậy nên, phóng sanh không phải là một “nhu cầu” hay một “nghi thức” cần làm mà đơn giản, khi có thể giúp được con vật nào đó trong lúc nguy cấp, thoát khỏi được sự nguy hiểm, bảo toàn được tính mạng cho con vật ấy, đó mới chính là ý nghĩa thực sự của việc phóng sanh. Còn nếu để “tích lũy công đức” cho bản thân, gia đình… mà tạo ra nhu cầu để chim chóc, muông thú bị bắt, bị hành hạ để chờ được… phóng sinh thì việc phóng sinh không còn ý nghĩa nhân văn nữa mà vô tình đã gieo thêm tội ác.
Việc giăng lưới tận diệt chim yến, ngoài vấn đề đạo đức, cũng cần được các cơ quan chức năng, các địa phương quan tâm dưới góc độ pháp luật. Nhiều địa phương trong cả nước đã xác định nuôi chim yến là một nghề, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương và cả nước. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã phát triển nghề nuôi chim yến trở thành một nghề mang lại lợi nhuận cao trong ngành chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như các địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn, với những quy định cụ thể từ việc đăng kí nuôi cho đến các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, mặc dù chim yên được xếp vào nhóm II B trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ, nhưng giải pháp “bảo vệ” đến nay vẫn chưa có. Trước khi những kẻ tận diệt chim yến “thức tỉnh”, thiết nghĩ các ngành chức năng và các địa phương cần sớm có những quy định nhằm bảo vệ loài động vật mang lại giá trị kinh tế cao này, cũng như cần có những chế tài đủ mạnh để bảo vệ người nuôi chim yến, hạn chế việc săn bắt, tận diệt chim yến.