Theo phản ánh các địa phương, thời gian gần đây nhà nuôi chim yến không chỉ ở đô thị mà đang dần dịch chuyển ra các khu dân cư, vùng ven, vùng nông thôn và sang cả trường học, bệnh viện; nhiều trụ sở cơ quan cũng nuôi chim yến…
Điều đáng nói ở đây, từ nhiều năm qua việc xây nhà nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu dường như phát triển tự do mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tư hướng dẫn cách xây và quản lý nhà yến. Tuy nhiên đến nay, tỉnh Bạc Liêu chưa thực hiện được văn bản này.
Anh Ngô Bé Sáu, ngụ phường 2, thành phố Bạc Liêu đề nghị: Cơ quan chức năng cần sớm có quy định, chế tài quản lý, chứ không thể “thả nổi” nuôi chim yến trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện; mở loa phát âm thanh ầm ĩ cả ngày lẫn đêm. Người dân không chỉ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn mà còn hứng chịu ô nhiễm từ phân thải, lông, mùi hôi…
Cũng theo người dân thành phố Bạc Liêu, mặc dù tỉnh chưa có quy định, chế tài về quy hoạch nuôi chim yến nhưng ngành xây dựng chưa xử lý mạnh, dẫn đến hệ lụy hàng loạt nhà trong nội ô thành phố Bạc Liêu đua nhau cơ nới, xây vượt tầng nuôi yến tràn lan gây mất mỹ quan độ thị.
Theo ông Trình Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tỉnh hiện có trên 1.000 nhà nuôi chim yến và phần lớn nhà nuôi là tự phát. Tỉnh đã có định hướng chung nhưng chưa có quy hoạch; ngành nông nghiệp cũng đã xây dựng nhiều công văn nhưng đến nay việc nuôi chim yến tự phát rất khó quản lý.
Ông Thanh cho biết thêm, từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 35/TT-BNNPTNN hướng dẫn cách xây và quản lý nhà yến, nhưng đến nay tỉnh chưa thực hiện được văn bản này.
Để quản lý việc xây dựng nhà nuôi chim yến trong thời gian tới, Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định tạm thời và hiện đang lấy ý kiến sở ngành vì ảnh hưởng nhiều đến xã hội, khi được người dân đồng tình thì sẽ ban hành.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi chim yến thời gian qua còn nhiều bất cập, nhưng qua thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại không nhỏ. Cụ thể, doanh thu tổ yến mang lại khoảng 80 tỷ đồng/năm, nhưng tỷ lệ nuôi không thành công cũng không hề nhỏ.
Theo các chuyên gia nuôi chim yến, tỷ lệ nuôi chim yến trên địa bàn chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%. Trong khi đó, vốn đầu tư xây nhà nuôi chim yến rất lớn, trung bình đầu tư một nhà nuôi chim yến từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng và nếu thành công thì 3-4 năm mới cho thu hoạch.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tính toán kỹ trước khi quyết định nuôi, phải am hiểu kỹ thuật, có kinh nghiệm, đặc biệt là vốn, tránh tình trạng tiền vay hỏi nguy cơ xảy ra rủi ro cao.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Bạc Liêu yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phải tuân thủ quy hoạch vùng nuôi.
Cũng theo ông Dương Thành Trung, nghề nuôi chim yến trong nhà là một nghề mới, cần được quản lý chặt chẽ, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và sức khỏe con người.
Khi phát triển nghề nuôi yến người nuôi phải thực hiện khai báo với cơ quan chuyên môn; đồng thời, thực hiện các quy định về vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh…
Về vùng nuôi, khu vực ưu tiên phát triển dọc theo tuyến đê biển Bạc Liêu; bờ Bắc đê Trường Sơn, tuyến lộ bờ Tây kênh 30/4, 2 bên kênh xáng Bạc Liêu- Cà Mau, 2 bên tuyến đường Nam sông Hậu. Hạn chế nuôi vùng nội thành, nội thị, khu dân cư tập trung…
Tuy nhiên, ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, việc quy hoạch vùng, khu vực nuôi chim yến hiện nay cũng không dễ. Bởi, nếu nuôi trong vùng quy hoạch nhưng không mang lại hiệu quả thì ai đứng ra chịu trách nhiệm. Đây là bài toán không dễ cho khâu quy hoạch vùng nuôi chim yến ở địa phương hiện nay.