Cần có chính sách đủ mạnh trong phát triển chăn nuôi
Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chăn nuôi. Theo đó, về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có tốc độ phát triển nhanh, đưa lại giá trị kinh tế lớn nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, nên cần phải có chính sách đủ mạnh, chiến lược phù hợp để phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, chuỗi khép kín, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường chăn nuôi; bổ sung quy định về chế biến, bảo quản để phát triển chăn nuôi theo chuỗi, bền vững; đồng thời đề nghị rà soát nội dung và số lượng chương, điều của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn. Tiếp thu các ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số điều, khoản; kết cấu, chỉnh sửa lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn, phù hợp với nội hàm điều chỉnh.
Trong vấn đề chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, có đề nghị bổ sung chính sách về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo tồn nguồn gen vật nuôi, nhất là nguồn gen bản địa, quý, hiếm, nguồn gen có nguy cơ tuyệt chủng, bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu; bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học – công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào chăn nuôi; hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến nêu trên và chỉnh sửa như trong Dự thảo Luật.
Quản lý thức ăn chăn nuôi là vấn đề được dư luận quan tâm, vì đây là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Từ đó, có đề nghị tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Chương III; luật hóa những quy định về thức ăn chăn nuôi mà đã được kiểm nghiệm, thực hiện ổn định trong thực tế; quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường; cụ thể hóa trình tự, thủ tục công bố sản phẩm đối với từng loại thức ăn đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, thức ăn truyền thống và nguyên liệu đơn. Do đó, Dự thảo Luật đã giảm đáng kể nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các vấn đề về điều kiện cơ sở chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi; chăn nuôi động vật bán hoang dã gây nuôi, động vật cảnh, chó, mèo; đối xử nhân đạo với vật nuôi; chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi... cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý.
Quy định trách nhiệm về xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi
Về vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải tại Điều 59; quy định cụ thể hơn về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ tại Điều 61 để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, đồng thời tận dụng được nguồn chất thải này làm dinh dưỡng cho cây trồng để giảm lượng xả thải và chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.
Theo điểm a, khoản 2 điều 59 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) bày tỏ băn khoăn về quy định này của dự thảo Luật, đồng thời cho rằng cần làm rõ quy định về tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi và tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi.
Đại biểu lý giải: “Trong thực tiễn chăn nuôi có nhiều chủ sở hữu trang trại chăn nuôi không trực tiếp tổ chức chăn nuôi mà cho người khác thuê để tổ chức chăn nuôi. Nếu quy định trách nhiệm về xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi cho chủ sở hữu trang trại thì việc này khó thực hiện bởi vì chủ trang trại không trực tiếp tổ chức chăn nuôi”. Ngoài ra, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tổ chức chăn nuôi bằng hình thức cung cấp giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật cho các chủ chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công. “Nếu quy định như thế này thì trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đổ dồn cho người nuôi gia công mà những người thực sự là chủ sở hữu các vật nuôi thì không có trách nhiệm xử lý”, đại biểu Trần Đình Gia nêu ý kiến và đề nghị đề nghị phải nghiên cứu lại quy định này.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) cho rằng, điểm a, khoản 2, điều 59 dự thảo Luật cần bổ sung thêm cụm từ “hoặc nước tưới trong trồng trọt”. Điểm a, khoản 2, điều 59 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản hoặc nước tưới trong trồng trọt. Đồng thời, để đồng bộ với Luật Chăn nuôi, đại biểu cho rằng Ban soạn thảo Luật Trồng trọt cần nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan đến việc sử dụng chất thải chăn nuôi đã qua xử lý, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, làm phân bón hữu cơ hoặc nước tưới trong các điều khoản về phân bón và quy định về canh tác của Luật này.
Gây nuôi và khai thác tổ yến cần đảm bảo yếu tố môi trường
Đóng góp ý kiến về việc nuôi chim yến được quy định tại Điều 64 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng quy định của dự thảo còn chung chung, thiếu cụ thể, không chặt chẽ. Đại biểu đề nghị quy định rõ: "Không được nuôi chim yến trong trung tâm thành phố, thị xã và các khu dân cư đông người dân sinh sống vì lý do bảo vệ môi trường và văn minh đô thị". Trong trường hợp đã có cơ sở nuôi chim yến trước khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực thì đề nghị duy trì từ 5-7 năm phải di dời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 64 của dự thảo có nêu: “Tổ chức, cá nhân nuôi chim yến được sử dụng các biện pháp kỹ thuật dẫn dụ chim yến về làm tổ, thực hiện nở ấp trứng để gây nuôi và khai thác tổ yến.” Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị chỉnh sửa lại là “Tổ chức, cá nhân nuôi chim yến phù hợp với quy hoạch, đảm bảo mỹ quan và được sử dụng các biện pháp kỹ thuật dẫn dụ chim yến về làm tổ, thực hiện ấp nở trứng chim yến để gây nuôi và khái thác tổ yến”, trên cơ sở bảo đảm yếu tố về môi trường, không khí, tiếng ồn và phòng ngừa dịch bệnh.
Cùng quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đánh giá, khoản 1 và khoản 2 của điều 64 quy định về quản lý nuôi chim yến chỉ nhằm giải thích từ ngữ. Do vậy, đại biểu đề nghị chuyển 2 khoản này về Điều 2 cho phù hợp hơn. Cũng tại điều 64, tại khoản 4 có quy định tổ chức cá nhân nuôi chim yến phải kê khai với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cơ sở nuôi chim yến các thông tin: Tên chủ cơ sở nuôi chim yến; địa điểm, số điện thoại liên hệ của cơ sở; diện tích nhà yến; số lượng chim yến ước tính tại thời điểm kê khai. Đại biểu nhấn mạnh, chim yến là loài chim trời nên việc yêu cầu cơ sở kiểm đếm, ước tính sẽ gây khó khăn. “Bên cạnh đó, cung cấp thông tin này cho Ủy ban nhân dân huyện có ý nghĩa gì trong quản lý nhà nước thì chưa rõ ràng. Trong khi đó, khoản 13 Điều 12 dự thảo luật này cấm gian lận trong kê khai chăn nuôi. Như vậy, vô hình chung đẩy điều khó khăn cho người chăn nuôi. Tôi đề nghị bỏ điểm d khoản 4 Điều 64 của dự thảo luật”, đại biểu nêu rõ.
Tham chiếu hài hòa các vấn đề trong quá trình xây dựng Luật
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Luật Chăn nuôi được xây dựng trong hoàn cảnh có 4 điểm đặc trưng. Thứ nhất, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ chỗ sản xuất để cung cấp trong nước, phục vụ chính cho nhu cầu tiêu dùng, đến giai đoạn hiện nay đòi hỏi sản xuất phần nhiều để tập trung xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đặc điểm, Bộ trưởng cho rằng có rất nhiều vấn đề cần tham chiếu, hòa đồng khi xây dựng các luật. Thứ hai là vấn đề chuyển dịch lao động trong các khu vực kinh tế.
Đặc điểm bối cảnh thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập là sự thay đổi trong việc đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, an ninh lương thực. “Đến nay với đà tăng trưởng về kinh tế, nhu cầu của 100 triệu dân đòi hỏi phải tạo ra những sản phẩm tốt hơn, chất lượng hơn để gắn không chỉ cho 100 triệu dân mà gắn với một nền kinh tế với ngành du lịch là mũi nhọn”. Bộ trưởng cho rằng, để phát triển du lịch không chỉ cần quan tâm tới vấn đề cảnh quan, văn hóa mà ẩm thực cũng là một yếu tố thu hút. Từ đó, phải khai thác tốt các sản phẩm lợi thế của Việt Nam, trong đó có sản phẩm chăn nuôi.
Theo Bộ trưởng, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng với yêu cầu, điều kiện kinh tế khác nhau là yếu tố thứ tư ảnh hưởng đến quá trình xây dựng Luật. Quy luật, nhu cầu phát triển của mỗi vùng, mỗi khu vực có sự khác biệt, đòi hỏi cần có hướng quy định cụ thể về phát triển chăn nuôi ở thị xã, thành phố, từng vùng.