Chấn chỉnh việc nuôi chim yến trên địa bàn An Giang

Ngày 12/10, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 300 nhà yến tập trung nhiều tại các địa bàn như: thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú và huyện Thoại Sơn.

Chú thích ảnh
Tăng cường quản lý, quy hoạch để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến ở An Giang. Ảnh: baoangiang.com.vn

Hoạt động này chủ yếu là tự phát, đa số cơi nới trên tầng lầu nhà ở hoặc xây dựng thành nhà nuôi chim yến riêng biệt, không theo thiết kế được phê duyệt. Một số nơi còn sử dụng âm thanh dẫn dụ có cường độ lớn làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để chấn chỉnh tình hình trên, đồng thời thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo mỹ quan đô thị, tiếng ồn và phát triển sản xuất mang tính bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có công văn số 1069/UBND-KTN ngày 3/10/2018 về việc chấn chỉnh việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát các hộ, cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn quản lý nằm trong khu vực nội thành, nội thị, có báo cáo đề xuất hướng chấn chỉnh, gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 19/10/2018.

Ngoài ra, các phòng chuyên môn tăng cường việc quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh; tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng, môi trường, quy hoạch đô thị; kiểm soát, xử lý những trường hợp xây dựng trái phép, chuyển đổi công năng sai với thiết kế và mục đích sử dụng đã đăng ký ban đầu, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi yến không theo thiết kế được phê duyệt hoặc phát âm thanh dẫn dụ cường độ lớn gây tiếng ồn không đúng theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố khẩn trương xây dựng quy định quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh dựa trên các quy định của Trung ương và tình hình thực tế của tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2018.

Mặt khác, chú trọng việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị chuyên môn cấp huyện, theo dõi quản lý việc nuôi chim yến; đồng thời, theo dõi, tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định…

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường.

Riêng Sở Xây dựng phải hướng dẫn các quy định có liên quan đến việc xây dựng nhà nuôi chim yến đối với các cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến; phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về xây dựng cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến.

Đặc biệt, tỉnh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người. Hơn nữa, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương có liên quan quản lý, thanh tra, kiểm tra và tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sơ chế, bảo quản và chế biến tổ yến theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, nuôi chim yến là nghề mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; tuy nhiên, việc xây dựng nhà nuôi chim yến số lượng lớn, tập trung tại các khu dân cư, đô thị đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan đô thị và là nguy cơ gây ra dịch bệnh. Do đó, cần sớm quy định quản lý nuôi chim yến để nghề này phát triển một cách bền vững.

Công Mạo (TTXVN)
Kiên Giang cấm xây dựng mới nhà nuôi chim yến tại một số địa bàn
Kiên Giang cấm xây dựng mới nhà nuôi chim yến tại một số địa bàn

Nhằm siết chặt quản lý nuôi chim yến trên địa bàn, kể từ tháng 10/2018 tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy định tạm thời về kiểm soát hoạt động nuôi loài chim này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN