Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp Đoàn Thanh Bình cho biết, về hạ tầng, Trung tâm chuyển đổi số đã khảo sát, lắp đặt phòng điều hành, lắp đặt 3 máy chủ ứng dụng, 2 máy chủ trí tuệ nhân tạo cùng với hệ thống đường truyền sẵn sàng cho việc triển khai các ứng dụng. Về công nghệ, hệ thống sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), dữ liệu không gian địa lý (GIS), điện toán đám mây kết hợp với các phần mềm của Microsoft để tăng tính trực quan, sinh động của hệ thống màn hình giám sát.
Trung tâm chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm hoạt động theo hình thức trung tâm điều hành thông minh với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính quyền số sẽ giúp cho các cấp chính quyền hoạt động chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng hơn về thụ hưởng phúc lợi xã hội. Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ phát triển, vận hành những nền tảng chuyển đổi số, đô thị thông minh; hỗ trợ chuyển đổi số cho các ngành, địa phương; tăng cường tính năng, tiện ích, phục vụ nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, việc đưa vào vận hành Trung tâm chuyển đổi số thể hiện rõ quyết tâm của toàn hệ thống chính trị trong việc xây dựng chính quyền phục vụ người dân và vì người dân. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra những thay đổi đột phá trong hoạt động của chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Ngoài phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, Trung tâm còn cung cấp nhiều thông tin phân tích, đánh giá, giám sát về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, dịch vụ công; giúp người dân và doanh nghiệp tương tác nhanh với lãnh đạo tỉnh, qua đó phản ánh, kiến nghị trực tiếp về công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa kỳ vọng, Trung tâm chuyển đổi số đi vào hoạt động sẽ là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng hình thành nên một Đồng Tháp tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Để Trung tâm chuyển đổi số hoạt động hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng, cơ quan liên quan trong việc sử dụng dữ liệu được phân tích từ hệ thống phần mềm, xử lý triệt để những yêu cầu phối hợp nghiệp vụ, đảm bảo khai thác hiệu quả tối đa tính năng hệ thống cung cấp với mục tiêu phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp là trên hết. Sở Thông tin và Truyền thông cần thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý đảm bảo việc vận hành của Trung tâm, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế vận hành Trung tâm trên tinh thần chia sẻ, kết nối, dùng chung một nền tảng đồng bộ, thống nhất để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm chi phí đầu tư.