Nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển đổi số

Theo giới chuyên gia, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã tận dụng cơ hội này để tăng doanh thu và lợi nhuận, hướng tới những mục tiêu lớn trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020. Ảnh tư liệu: Minh Quyết/TTXVN

Thực tế, nhu cầu chuyển đổi số đang tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp công nghệ. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Gartner Inc, chi tiêu chuyển đổi số toàn thế giới sẽ đạt 2,39 nghìn tỷ USD vào năm 2024 so với mức dưới 1 nghìn tỷ USD năm 2017, đồng nghĩa với mức tăng trưởng kép 13,9% năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 7/4, Tổng giám đốc Công ty cổ phần FPT (Tập đoàn FPT- mã chứng khoán: FPT) Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 đặt ra thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp, nhưng lại là cơ hội rất lớn đối với doanh nghiệp công nghệ bởi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều thực hiện chuyển đổi số.

Thực tế, Tập đoàn FPT đã “mạnh hơn” hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều dự án chuyển đổi số với Chính phủ và doanh nghiệp. Tập đoàn FPT sẵn sàng khai phá tất cả những cơ hội, đặc biệt là cơ hội về chuyển đổi số.

Theo ông Khoa, các gói đầu tư công của chính phủ được đẩy mạnh sau COVID-19 sẽ chú trọng nhiều vào cơ sở hạ tầng và lần này đầu tư công gắn nhiều với công nghệ số, chuyển đổi số.

Ông Khoa lấy ví dụ, ngân sách chi cho đô thị thông minh của thành phố Cần Thơ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó có tới 5 thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều tỉnh thành khác cũng đang đẩy mạnh công nghệ số, chuyển đổi số. Hiện 54 tỉnh, thành đã có nghị quyết về chuyển đổi số.

“Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang sẵn sàng chi tiền cho chuyển đổi số vì họ thấy rằng đây là cơ hội nghìn năm có một”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, chuyển đổi số tiếp tục là xu hướng lớn trên toàn cầu với nhu cầu gia tăng tại mọi thị trường. Doanh thu từ chuyển đổi số trong năm 2021 của FPT đạt 5.522 tỷ đồng, tăng gần 72% so với năm 2020, tập trung vào các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI)...

“Chuyển đổi số là từ khóa “nóng” nhất, người người nói, nhà nhà nói. Đó là dấu hiệu về cơ hội lớn chưa từng có đang đến với tập đoàn FPT. Chúng ta sẽ làm gì để chớp lấy cơ hội đó”, Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình tâm sự.

Theo ông Trương Gia Bình, năm 2021 là một năm thử thách lòng “quả cảm” của các doanh nghiệp, với những tác động khó đoán từ đại dịch. Để nắm bắt cơ hội trong khó khăn, Tập đoàn FPT đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh; trong đó, tập trung vào chuyển đổi số.

Dịch COVID-19 “bùng nổ” đã thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chuyển đổi số tăng cao ở cả thị trường toàn cầu và trong nước. Vì vậy, FPT đã đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực này.

Năm 2020, doanh thu mảng chuyển đổi của số của FPT đạt 3.219 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2019. Đến năm 2021, mức tăng trưởng đã lên tới gần 72%.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, dư địa thị trường chuyển đổi số còn rất lớn, vì thế doanh nghiệp có thể gặt hái thành công nếu có chiến lược và kế hoạch đúng đắn.

Còn theo ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán: CMG), đầu tư vào chuyển đổi số với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) dự kiến đạt 15,5% trong giai đoạn 2020 - 2023.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường IDC, đầu tư vào chuyển đổi số sẽ đạt 6.800 tỷ USD khi nhiều công ty đang tận dụng các chiến lược đầu tư hiện có, với sự trợ giúp của công nghệ để trở thành doanh nghiệp số tương lai.

Nằm trong top những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, mục tiêu chiến lược của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC là tới năm 2025 có doanh thu 1 tỷ USD. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp sẽ phải tăng doanh số tới 4 lần mức hiện nay, nhân sự gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 3- 5 năm.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.

Trong năm 2022, chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính. Gói thứ nhất là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 - 50 triệu đồng/năm.

Gói thứ 2 là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa.

Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các chuyên gia từ Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, nhu cầu số hóa của doanh nghiệp nội địa và Chính phủ vẫn đang rất mạnh mẽ, phù hợp với định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia.

Các doanh nghiệp với lợi thế về năng lực tư vấn và sản phẩm, giải pháp công nghệ sẽ duy trì và đẩy mạnh được các đơn hàng từ thị trường trong nước và nước ngoài.

Văn Giáp (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chuyển đổi số không đơn giản là đích đến
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chuyển đổi số không đơn giản là đích đến

Để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN