Dịp này, Yên Bái đã công bố quyết định thành lập Trung tâm điều hành thông minh và Trung tâm chuyển đổi số trên cơ sở tổ chức lại Cổng Thông tin điện tử tỉnh và Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh; đồng thời giao nhiệm vụ cho hai đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Từ năm 2018, tỉnh Yên Bái đã có đề án “Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái” nhằm ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, tỉnh đã phê duyệt hai dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh” và dự án Trung tâm điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm.
Dự án "Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh" có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng với 22 gói thầu cho 8 hạng mục là xây dựng Tòa nhà đô thị thông minh; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Yên Bái; Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng; Hệ thống camera giám sát thông minh; Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp 2 cho các cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh; Nền tảng liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh; Hệ thống đăng nhập một lần và Nâng cấp Hệ thống thư điện tử tỉnh.
Trung tâm điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái với 7 hạng mục, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, bao gồm xây dựng kiến trúc đô thị thông minh tỉnh; Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm; Hệ thống thông tin kế hoạch, tài chính thông minh; Hệ thống y tế, giáo dục, du lịch thông minh và xây dựng mô hình thí điểm đô thị thông minh phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đề nghị các cơ quan, đơn vị và hai Trung tâm khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển giao công nghệ, nghiệm thu và bàn giao các hạng mục của dự án đưa vào quản lý vận hành và khai thác hiệu quả phục vụ hoạt động chuyển đổi số của tỉnh; hoàn tất các thủ tục chuyển giao giữa đơn vị cũ và đơn vị mới để sớm ổn định tổ chức bộ máy; xây dựng Đề án vị trí việc làm nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức tập huấn để phổ biến tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân sử dụng các tính năng một cách dễ dàng thành thạo các nền tảng, ứng dụng, tiện ích và thụ hưởng các lợi ích của đề án và các ứng dụng khác có liên quan phục vụ chuyển đổi số.
Ông Trần Huy Tuấn yêu cầu các cấp ngành, địa phương của tỉnh cần tích cực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 51 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động số 15 của UBND tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại cơ quan, đơn vị mình; chủ động tích cực phối hợp với Trung tâm Điều hành thông minh và Trung tâm chuyển đổi số trong việc cung cấp số liệu, dữ liệu để phục vụ các nền tảng, ứng dụng, tiện ích của đề án Đô thị thông minh…
Việc khai trương Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh tỉnh Yên Bái đặt nền móng ban đầu vững chắc cho việc triển khai các dịch vụ và ứng dụng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và hướng tới chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX là “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.