Tiềm năng và lợi thế rất lớn
Mới đây, tại cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt thành phố Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã đánh giá cao vị trí, vai trò chiến lược và tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn của Hải Phòng; trong đó Thủ tướng đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng cảng biển, logistics.
Hải Phòng có nhiều tiềm năng cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics như: lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất phía Bắc. Nhiều bến cảng với hệ thống thiết bị hiện đại. Hệ thống hạ tầng logistics có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Có tới 49 bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam, hiện Hải Phòng đang dành nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và hệ thống kết nối liên vùng. Đồng thời, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đến năm 2025 là 9 bến; đến năm 2030 và sau năm 2030 tổng số bến là 23; trước mắt, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư 4 bến (số 3, số 4, số 5 và số 6)...
Làm thay đổi hoàn toàn bức tranh khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc Việt Nam phải kể tới cảng Tân Vũ (Khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) thuộc Công ty cổ phần cảng Hải Phòng. Ngày 20/11 vừa qua, lần đầu tiên một bến cảng tại miền Bắc Việt Nam đạt được 1 triệu TEU container trong 1 năm (2021), đặc biệt trong bối cảnh tắc nghẽn và gián đoạn chuỗi cung ứng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng cảng Hải Phòng khi lần đầu tiên một bến cảng của công ty đạt được con số 1 triệu TEU thông quan mà còn là niềm vui và tự hào của thành phố Hải Phòng khi chứng kiến sự khởi sắc và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho rằng, với hơn 145 năm hình thành và phát triển, cảng Hải Phòng luôn phát huy vai trò là cảng biển hàng đầu tại khu vực miền Bắc, liên tục bứt phá và đạt những thành tựu quan trọng qua các thời kỳ.
Ngay khi cảng Tân Vũ ra đời và đã tiếp nhận chuyến tàu container đầu tiên vào năm 2008, cảng Hải Phòng một lần nữa cho thấy khả năng đột phá trong việc tạo ra nhiều giá trị kinh tế, đóng góp tích cực cho thành phố quê hương, thúc đẩy thương mại qua cửa ngõ ra biển lớn nhất của phía Bắc Việt Nam và hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh cho biết, trong tương lai, dự án cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện của cảng Hải Phòng dự kiến khởi công trong quý I năm 2022, hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT giảm tải. Đây sẽ là nơi mở ra nhiều hơn sự hợp tác và là mục tiêu mà cảng Hải Phòng đang phấn đấu để có thể cung cấp cho các khách hàng dịch vụ chất lượng nhất.
Cùng với cảng Tân Vũ là cảng container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. TC-HICT là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc, có khả năng tiếp nhận và giải phóng các tàu container trọng tải lên đến 160.000 DWT đi thẳng đến Hoa Kỳ và Châu Âu.
Sau gần 4 năm đi vào khai thác, hoạt động, cảng TC-HICT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý, khai thác cảng như, TOPOVN, thanh toán qua mạng (E-port) và lệnh giao hàng điện tử (EDO).
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Cảng TC-HICT đã hoàn thành tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh thông suốt. Sản lượng container thông qua cảng đạt 684.336 TEU, tăng trưởng đạt 3,5% so với năm 2020.
Hiện tại, trung bình mỗi tuần Cảng TC-HICT đón từ 8 đến 10 chuyến tàu, gồm 3 chuyến đi trực tiếp Hoa Kỳ, 1 chuyến đi trực tiếp Australia, 1 chuyến đi trực tiếp Ấn Độ và các chuyến nội Á khác...
"Nút thắt" và những giải pháp
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đan Đức Hiệp nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, mặc dù là thành phố của cảng biển, logistics nhưng Hải Phòng vẫn còn đó những "nút thắt", đó là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và hiện đại, đặc biệt là đường bộ. Hệ thống đường và các nút giao thông khu vực cảng chật hẹp; hệ thống đường vành đai 2 và vành đai 3 chưa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, thiếu nhiều vị trí đỗ xe chờ giao nhận hàng và bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện dẫn đến hiệu quả khai thác kém và tiềm ẩn ùn tắc giao thông, tác động xấu đến môi trường.
Tiếp nữa là hệ thống đường sắt cũ, lạc hậu, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Hiện tại chưa kết nối vào các khu vực chính mới đầu tư xây dựng như cảng Đình Vũ và chưa có phương án cụ thể kết nối với Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng. Hệ thống đường thủy nội địa chưa phát huy được vai trò hỗ trợ đường bộ do chưa đủ điều kiện tổ chức vận tải container theo các tuyến sông quốc gia vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hệ thống giao thông kết nối đưa rút hàng khỏi cảng biển vẫn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và chiếm 80% khối lượng hàng nên không tạo sự linh hoạt, mức độ rủi ro cao và chưa tận dụng hết lợi thế của các phương thức vận tải khác. Hệ thống hạ tầng logistics chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển...
Nhận diện rõ những nhược điểm cố hữu, Hải Phòng đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp chiến lược đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố.
Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/8/2021 về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ, Hải Phòng phải phát triển dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, theo chiều sâu là chủ đạo để trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế và trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng phấn đấu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2025 đạt 15,1%/năm; trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao và hàng hóa thông qua cảng ước đạt 600 triệu tấn vào năm 2030.
Đến năm 2045, việc tiếp tục gia tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics vào GRDP sẽ góp phần đưa Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Ngay sau Nghị quyết 02 ra đời, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 238/KH-UBND để triển khai Nghị quyết này. Có thể nói, Hải Phòng đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phát triển hệ thống cảng theo hướng hiện đại, thông minh và xanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để tiết kiệm chi phí, giảm nhân lực, chống tiêu cực, phục vụ khách hàng 24/24h...
Sự phát triển Hải Phòng đang hướng tới sẽ đóng góp chung cho khu vực và cả nước. Hạ tầng giao thông là yêu cầu cấp bách để giải phóng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa và nền kinh tế Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.