Huy động nguồn lực hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin có nhà ở an toàn

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng nghìn nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại tỉnh Hà Nam vẫn đang phải gánh chịu nhiều đau đớn về tinh thần, bệnh tật và thiếu thốn vật chất, trong đó nhiều người đang sinh sống ở những ngôi nhà cũ nát, xuống cấp.

Chú thích ảnh
Hội nạn nhân chất độc da cam các cấp tỉnh Hà Nam đã tổ chức trao tiền ùng hộ xây nhà cho bà Phạm Thị Hữu nuôi con đẻ Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1990, thứ 3 phải sang) là “nạn nhân gián tiếp loại 1” chất độc da cam/dioxin.Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình thực hiện xây dựng, cộng đồng giúp đỡ”, tỉnh Hà Nam triển khai nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực giúp đỡ hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn có nhà ở an toàn.

Chồng mất sớm, bà Phạm Thị Hữu (70 tuổi, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm) một mình nuôi chị Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1990) là “nạn nhân gián tiếp loại 1” chất độc da cam/dioxin. Chị Nguyệt không tự chủ trong sinh hoạt, phải ở biệt lập nhưng gia đình bà không có điều kiện nên cả hai mẹ con vẫn sinh sống trong ngôi nhà cấp bốn chật chội, dột nát. Thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào hai sào ruộng nên việc xây dựng một ngôi nhà mới đối với bà là niềm mơ ước khó thực hiện.

Tháng 6/2022, được nhận 60 triệu đồng từ kinh phí hỗ trợ xây dựng gian nhà khép kín cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, bà Hữu đã xây ngôi nhà cấp bốn diện tích 58m2, tổng kinh phí 130 triệu đồng. Khi ngôi nhà mơ ước gần hình thành, bà Phạm Thị Hữu xúc động chia sẻ, trước đây ở trong ngôi nhà cũ nát, lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ. Đặc biệt là bệnh tình của cháu phải có chỗ ở biệt lập để dễ chăm sóc lúc trở bệnh nhưng không thể thực hiện vì hoàn cảnh khó khăn. Với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cấp Hội và bà con lối xóm, bà đang xây dựng ngôi nhà mới. Bà thấy vui mừng, như khỏe hẳn ra. 

Có mặt tại gia đình ông Nguyễn Tiến Lệ, thôn Môi, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, mới cảm nhận hết niềm vui của ông Lệ khi ngôi nhà đang dần hoàn thiện. Đây là ngôi nhà hai tầng được xây dựng với số tiền gần 580 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của các cấp hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Nam và nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp tại địa phương.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tiến Lệ thôn Môi xã Thanh Tâm huyện Thanh Liêm là nạn nhân trực tiếp loại 1 chất độc da cam/dioxin tại Hà Nam cùng con cháu dọn dẹp ở ngôi nhà mới. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Ông Nguyễn Tiến Lệ là nạn nhân trực tiếp loại 1 nên đau ốm thường xuyên. Hiện nay, ông phải cắt đi một phần lá gan, phổi để điều trị nên khó khăn trong lao động, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc sửa chữa hay xây nhà mới. Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân, đoàn thể, ông Lệ đã thực hiện được mơ ước của cuộc đời mình.

Theo thống kê, tỉnh Hà Nam có trên 4.100 nạn nhân chất độc da cam đang được hưởng chế độ và phần lớn trong số đó có hoàn cảnh khó khăn. Để giúp đỡ các hội viên, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp tỉnh Hà Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Các cấp Hội đã tuyên truyền, kêu gọi, vận động cộng đồng xã hội giúp đỡ về vật chất, với kinh phí trên 46 tỷ đồng. Bằng nguồn vận động, các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà không an toàn, tặng quà nhân ngày lễ Tết, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, cho vay vốn sản xuất kinh doanh (không tính lãi), khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng xe lăn, đỡ đầu nuôi dưỡng và cấp học bổng cho con, cháu nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn...

Từ năm 2021 đến tháng 8/2022, các cấp Hội đã khảo sát, kêu gọi hỗ trợ xây dựng gian nhà ở khép kín cho nạn nhân thế hệ thứ I, II không tự chủ trong sinh hoạt, phải ở biệt lập, giúp 20 hộ gia đình nạn nhân với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/gia đình.

Chú thích ảnh
Hội nạn nhân chất độc da cam các cấp tỉnh Hà Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Trong quá trình triển khai, các địa phương gặp nhiều khó khăn như: Nhiều hộ thiếu kinh phí nếu xây dựng mới; không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng hay quỹ tín dụng; gia cảnh neo đơn… Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hà Nam đã linh hoạt, có nhiều cách làm hay, với những hành động kêu gọi cụ thể để tăng thêm nguồn kinh phí phục vụ chương trình.

Ông Nguyễn Trọng Giao, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hà Nam cho biết, với tinh thần chủ động, nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội, năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hội vận động mọi nguồn lực, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân tham gia để có nguồn kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Thời gian tới, Hội tiếp tục rà soát và có phương án giúp đỡ gia đình nạn nhân có ngôi nhà mới.

Những việc làm trên góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau da cam, hàn gắn vết thương chiến tranh và mang đến niềm tin yêu, hy vọng cho nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh. Các nạn nhân chất độc da cam đã chịu nhiều thiệt thòi, vì vậy cùng với sự nỗ lực của bản thân rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Đại Nghĩa (TTXVN)
TTXVN chung tay hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam
TTXVN chung tay hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam

Ngày 6/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các nhà tài trợ tổ chức bàn giao căn nhà đại đoàn kết cho hộ bà Trần Thị Mỹ Vân ở ấp Mỹ Tân, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN