Hơn 326 tỷ đồng đầu tư 'Chương trình Mỗi xã một sản phẩm' tại Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang đầu tư hơn 326 tỷ đồng thực hiện “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 119 tỷ đồng, số còn lại là kinh phí huy động.

Chú thích ảnh
Gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng địa phương của phụ nữ thành phố Hà Tiên tại Ngày hội Phụ nữ Kiên Giang sáng tạo khởi nghiệp năm 2019 và Hội thi “Mỗi xã một sản phẩm”, ngày 24/10/2019. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, chương trình này triển khai tại 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với chủ thể thực hiện là hộ gia đình, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất có đăng ký kinh doanh. Sản phẩm sản xuất ra là sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ.
 
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu sản phẩm hiện có đạt 3 sao trở lên 120 sản phẩm trở lên, đạt 5 sao cấp tỉnh 25 - 30 sản phẩm trở lên, đạt 5 sao cấp quốc gia 5 sản phẩm trở lên. Số sản phẩm mới đạt 3 sao trở lên 80 sản phẩm trở lên.

Tổ chức thực hiện chương trình này, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng. Tỉnh củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện chương trình; thành lập Hội đồng tư vấn, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh, huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: “Thực hiện “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025” của tỉnh, nhằm phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn ở địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân Kiên Giang.
 
Chương trình cũng nhằm thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới".

Theo đó, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang tăng cường nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là những nội dung của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong phát triển sản xuất. Xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
 
Tỉnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm của “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm”, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khi đưa sản phẩm ra thị trường...

Lê Huy Hải (TTXVN)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ

Tại đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt chất lượng an toàn sản phẩm cho 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN