Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại “Diễn đàn quốc tế kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm (iOCOP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) và Ủy ban hợp tác quốc tế (OVOP) Nhật Bản tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/4.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các làng nghề đã có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời, với 54 dân tộc anh em, các sản phẩm làng nghề của Việt Nam rất đa dạng, độc đáo và mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm mới xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian ngắn, bắt đầu từ tỉnh Quảng Ninh vào năm 2013 và lan tỏa sang một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Tới năm 2018, OCOP mới chính thức trở thành chương trình mục tiêu quốc gia với sự chỉ đạo có hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Mục tiêu của OCOP Việt Nam là phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghể, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài cho các sản phẩm ở nông thôn Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, OCOP là chương trình kinh tế có giá trị xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm phát triển sinh kế, đời sống và việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, sau chưa đầy 1 năm triển khai chương trình ở cấp quốc gia, 100% các tỉnh/thành đã xây dựng đề án OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 42 tỉnh/thành đã phê duyệt đề án triển khai ở cấp tỉnh, 4 tỉnh/thành đã chuẩn bị công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP.
Nhờ chương trình OCOP, số hợp tác xã đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn tăng nhanh, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị nước ngoài, có mặt trên các chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 45 tỷ đồng trong năm 2019.
Từ chương trình OCOP, các tiêu chí về nông thông mới, đặc biệt là tiêu chí về sinh kế được cải thiện. Nhờ đó, mục tiêu có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn mới đã được hoàn thành trong năm 2019, thay vì tới năm 2020 như kế hoạch.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chương trình quốc gia OCOP giai đoạn 2018-2020 đúc kết từ thành công và kinh nghiệm của cả quốc tế cũng như trong nước, được đánh giá là một giải pháp rất cụ thể, hiệu quả, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện tạo động lực mới phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Điều tra sơ bộ vùng nông thôn cả nước đang có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh); trong đó, có 3.126 doanh nghiệp (chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước) tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 06 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ - du lịch nông thôn.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, được chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể một cách bài bản, thống nhất, đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Theo ông Trần Thanh Nam, chương trình OCOP ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…
Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8-10 mô hình Làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành các cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy để thực hiện ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ; huy động nguồn lực, và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả…
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù, chương trình mỗi xã một sản phẩm đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của các địa phương, tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, nhưng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, đưa chương trình đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, chương trình vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm OCOP, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ, hợp tác kinh doanh, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, địa phương trong nước; đồng thời lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP có khả năng xuất khẩu tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Đông để khảo sát thị trường, tăng cường các hoạt động giao thương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP một cách bền vững.