Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, trong những năm gần đây, tỉnh đang quan tâm đầu tư, sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic…; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học. Từ đó, tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.
Nằm tại vùng đất được mệnh danh là tứ địa danh chè của tỉnh Thái Nguyên, Hợp tác xã chè Khe Cốc, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương hiện đang canh tác hơn 60 ha chè VietGAP và chè hữu cơ. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu mát mẻ, cây chè lại được chăm bón từ phân chuồng hoai mục, phân gà nhập khẩu từ Nhật Bản, phun chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng, sâu bệnh… để cho ra sản phẩm chè sạch, thơm, ngon, an toàn, chất lượng cao được thị trường ưa chuộng với giá thành từ 500.000 đồng tới 10 triệu đồng/kg. Doanh thu năm 2019 của Hợp tác xã đạt trên 3 tỷ đồng.
Ông Tô Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Khe Cốc chia sẻ, hiện nay hợp tác xã đang thực hiện dự án 35 ha chè an toàn, hữu cơ và đã được Nhà nước hỗ trợ từ 25- 35 triệu đồng/ha/năm kéo dài từ 3 - 5 năm. Đây là sự hỗ trợ kịp thời cho bà con nhân dân chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất an toàn, hữu cơ Organic.
Sản xuất theo quy trình hữu cơ người dân thấy an toàn cho sức khỏe, sản phẩm được thị trường đón nhận, đây lại là xu hướng chung của nền nông nghiệp... Do vậy, đến nay tất cả các hộ dân trong xóm và vùng nguyên liệu của Hợp tác xã, bà con đã ký cam kết sản xuất trà an toàn, chuyển đổi dần từ chè VietGAP, chè thông thường sang chè hữu cơ.
Bà Tống Thị Xuyến, Tổ hợp tác chè an toàn xóm Trung Thành 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGap, an toàn hữu cơ, bà con thấy rất an tâm từ khâu chăm bón, thu hái, môi trường được trong lành hơn, giá trị búp chè thành phẩm cũng được nâng lên, giá trị các sản phẩm trà tăng lên từ 15% - 20%. Tuy nhiên, các sản phẩm chè sạch an toàn cần được bảo hộ thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết so với các sản phẩm khác.
Phú Lương là một trong hai huyện có diện tích sản xuất chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với diện tích hơn 4.000 ha. Để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua việc cải tạo, trồng thay thế giống chè cũ bằng các giống chè mới, chất lượng cao như: LDP1, TRI777, cải tạo chè trung du… áp dụng khoa học công nghệ sản xuất theo quy trình VietGAP, chè an toàn theo hướng hữu cơ… Điều này góp phần cải tạo môi trường, an toàn cho người trồng trọt, sản phẩm sạch, đem lại giá trị thu nhập cho mỗi héc ta đất trồng chè đặc sản khoảng 200 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Bình Công, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện luôn đặt nhiệm vụ đầu tiên là tái cơ cấu cây chè và phát triển các sản phẩm trà chất lượng cao để tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho người trồng chè. Muốn tạo ra sản phẩm trà từ nguồn nguyên liệu sạch, bắt đầu từ cây chè sạch an toàn về dịch bệnh, an toàn trong quá trình sửa dụng phụ phẩm chăm bón, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm, bảo hộ sản phẩm cho người dân.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 22.000 ha chè. Đến nay, bình quân năng suất chè 12 tấn/ha, có nơi đạt 15 - 20 tấn/ha, chất lượng chè tỉnh Thái Nguyên không ngừng được nâng cao. Các sản phẩm chè đã dần chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, và các nước châu Âu.
Để khuyến khích người dân sản xuất chè sạch an toàn VietGap, chè an toàn hữu cơ… tỉnh Thái Nguyên xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ người dân như: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác
Cùng đó, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 40% vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, biển báo cho tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề chè sản xuất theo chè theo quy trình VietGAP, GAP khác, sản xuất chè hữu cơ.
Đặc biệt, tổ chức xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chè, hỗ trợ quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ 100% kinh phí phân tích mẫu, kinh phí dán nhãn xác nhận sản phẩm chè an toàn, phân tích mẫu đảm bảo tiêu chuẩn để dán nhãn sản phẩm chè an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ sản phẩm trà an toàn... với mục tiêu cho ngành hàng chè Thái Nguyên đứng đầu cả nước về các chỉ tiêu sản xuất, giá trị và hiệu quả kinh tế, văn hoá xã hội và môi trường.