Diện tích được phép trả lại thuộc các xã Đắk Wer, Nghĩa Thắng, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông. Đây là phần diện tích sau khai thác bô xít và đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan chức năng về thủ tục bàn giao diện tích đất này về cho địa phương quản lý, hoàn tất thanh lý hợp đồng thuê đất và các hợp đồng liên quan; chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản và tiếp tục thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tiếp tục chăm sóc cây xanh, bảo đảm cây sinh trưởng tốt; duy trì mật độ cây trồng theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường, đề án đóng cửa mỏ trước khi bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng.
Theo Công ty Nhôm Đắk Nông (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), sau 9 năm kể từ thời điểm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác quặng bô xít tại mỏ Nhân Cơ, đơn vị đã được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 480ha và hoàn thành việc khai thác quặng bô xít trên diện tích hơn 425ha.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, Công ty Nhôm Đắk Nông sẽ bàn giao 130ha cho địa phương để sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt. Trong đó, dự kiến có gần 53ha được sử dụng để xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi để khai thác quặng bô xít và các hạng mục công trình phục vụ Nhà máy Alumin Nhân Cơ, phần còn lại sử dụng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản (số 2624/GP-BTNMT ngày 11/11/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được phép khai thác quặng bô xít bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ bô xít Nhân Cơ (thuộc các xã Kiến Thành, Đắk Wer, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa, Đắk Sin, Nhân Đạo, Nhân Cơ và thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông). Tổng diện tích được cấp phép khai thác là 3.074ha; thời hạn khai thác 30 năm; trữ lượng gần 55 tỷ tấn quặng tinh bô xít.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, sau 9 năm kể từ khi dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động, cần có quy định, cơ chế cho việc đóng cửa mỏ từng phần đối với diện tích đất đã khai thác xong bô xít. Đây là bước đi cần thiết để các ngành chức năng, chính quyền địa phương chuyển đổi đất sang sử dụng vào các mục đích khác phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.