Đây là một phần diện tích đất UBND tỉnh cho 2 doanh nghiệp thuê để sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng sau nhiều năm không thể thu hồi, gây khó khăn cho việc khai thác quặng bô xít nhôm ở Lâm Đồng.
Theo các quyết định số 1678/QĐ-UBND và 1679/QĐ-UBND ngày 19/4/2024, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc (người đại diện là ông Nguyễn Văn Mão, trú tại Phường 6, thành phố Đà Lạt) 11.394,5 m2 đất tại xã Lộc Ngãi; thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến (người đại diện là bà Nguyễn Thị Bích Huệ, trú tại Phường 6, thành phố Đà Lạt) 145.569,7 m2 đất tại xã Lộc Ngãi. Việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án khai thác quặng bô xít giai đoạn 5 năm (2020-2024) của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Căn cứ các quy định của pháp luật, diện tích đất buộc phải thu hồi do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến đang sử dụng là đất do Nhà nước quản lý, giao 2 công ty này thuê. Vì vậy, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư diện tích đất nói trên là 0 đồng. Điều này quy định tại Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 200/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng.
Sau khi tổ chức thu hồi diện tích mặt bằng trên, chiều 2/7/2024, Trung tâm kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng cùng UBND huyện Bảo Lâm, UBND xã Lộc Ngãi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV đã tiến hành các thủ tục bàn giao mặt bằng đất thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến để thực hiện Dự án khai thác quặng bô xít. Đồng thời, tiến hành biện pháp phân định ranh giới giữa đất thu hồi và chưa thu hồi theo quy định.
Trước đó, ngày 10/10/2023, phóng viên TTXVN đã phản ánh thông tin "Tổ hợp nhà máy Alumin Tân Rai có nguy cơ dừng hoạt động". Nội dung phản ánh trong giai đoạn 2020- 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV và các đơn vị thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng 320 ha để khai thác quặng bô xít. Tuy nhiên, trong diện tích trên, vẫn còn 71,2 ha chưa đền bù giải phóng mặt bằng được, trong đó, có trên 30 ha do 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến đang quản lý; 13,43 ha là đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý. Còn lại là đất của các hộ gia đình.
Đối với diện tích đất thu hồi của 2 công ty trên, thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bảo Lâm xử lý. UBND huyện Bảo Lâm nhiều lần họp định kỳ kiểm điểm công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhưng 2 công ty này không cử đại diện đến tham dự.
UBND xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) là nơi có diện tích đất đang tranh chấp của 2 công ty đã 4 lần tổ chức cuộc họp nhưng 2 công ty không cử đại diện tham dự nên không tìm ra hướng giải quyết. Sau hơn 5 năm tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ thu hồi đất của 2 công ty này chưa có tiến triển thêm.
Theo kiểm kê, nguyên nhân không thu hồi được diện tích đất đã giao cho 2 công ty này là do trong hơn 30 ha đó, có 7,3 ha đang tranh chấp giữa 25 hộ dân và 2 đơn vị này. Còn phần diện tích trên 23 ha, 2 công ty này đã trồng, canh tác cây cà phê và một số loại cây khác.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV, đây là quỹ đất dành cho khai thác quặng bô xít vào các tháng cuối năm 2023. Việc không thu hồi, giải phóng mặt bằng diện tích này phục vụ sản xuất khiến doanh nghiệp có nguy cơ phải dừng hoạt động…
Được thành lập từ tháng 10/2010, đến tháng 9/2012, tổ hợp Nhà máy Alumina Tân Giai (huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV bắt đầu chạy thử và đi vào hoạt động. Qua 10 năm vận hành thương mại, công suất của Nhà máy tăng dần từ 75%, tới nay đã vượt công suất thiết kế, đến năm 2022, đạt sản lượng 735.200 tấn alumin quy đổi.
Năm 2023, Công ty sản xuất đạt 748.300 tấn alumin quy đổi; sản lượng alumin sau nung đạt 696.600 tấn, đạt 114,2% kế hoạch năm. Mỗi năm, Dự án bô xít Tân Rai của Công ty đóng góp ngân sách nhà nước từ 300 - 500 tỷ đồng, bằng trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, Công ty tạo việc làm cho trên 1.300 viên chức và người lao động, trong đó, chủ yếu là người địa phương, con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn…