Hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng tập trung triển khai các tiểu dự án trong vùng đồng bào, đặc biệt, quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc đúng đối tượng và theo quy định. 

Tỉnh Sóc Trăng có trên 35,4% dân số là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025), tỉnh quan tâm thực hiện quyết liệt việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho bà con. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát.

Thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình

Huyện Mỹ Xuyên là địa phương có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, trong đó hầu hết là người Khmer. Được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ sinh kế, bà con dân tộc thiểu số rất phấn khởi vì có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ, với số tiền 290 triệu đồng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Chú thích ảnh
Anh Sơn Cường, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) được hỗ trợ vỏ lãi và máy (từ tiểu dự án hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021-2025). 

Anh Sơn Cường (dân tộc Khmer, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ, gia đình anh là hộ nghèo, không đất sản xuất, thu nhập chính từ việc làm thuê và nuôi bò. Trước đây, mỗi lần đi cắt cỏ cho bò ăn, anh phải đi bộ hàng chục km, vừa tốn thời gian, vừa mất công sức.

Năm nay, nhận được 10 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề, anh quyết định mua võ lãi và máy (phương tiện di chuyển trên kênh rạch), tạo thuận lợi cho việc vận chuyển cỏ bằng đường thủy về nuôi bò. Anh dự kiến trong thời gian tới sẽ mua thêm bò về nuôi.

Huyện Châu Thành có gần 50% dân số là người Khmer, trong đó 946 hộ nghèo. Theo ông Trương Hán Nghiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, năm 2023, toàn huyện có 228 hộ được quan tâm đầu tư chuyển đổi ngành nghề, 78 hộ được hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán, 7 hộ được hỗ trợ đất và 111 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư trên 8 tỷ đồng.

Ngành chức năng địa phương đã rà soát chặt chẽ các đối tượng được thụ hưởng, hỗ trợ theo nguyện vọng của người dân nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định. Các hộ đồng bào Khmer được hỗ trợ phương tiện chuyển đổi nghề như xe ép nước mía, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cắt cỏ, xe mô tô…

Chị Sơn Thị Phiên (xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành) phấn khởi cho biết, gia đình chị không có đất sản xuất, phải đi làm thuê để có chi phí sinh hoạt. Được hỗ trợ xe ép nước mía, chị rất phấn khởi vì có thêm thu nhập để lo cho con ăn học.  

Bảo đảm đúng quy định và hiệu quả

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, công tác triển khai các chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành quyết liệt UBND tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số rất đồng thuận và phấn khởi về chủ trương triển khai chương trình. 

Chú thích ảnh
Hộ dân trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) được hỗ trợ xe ép nước mía từ tiểu dự án hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021-2025). 

Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, triển khai xây dựng 113 công trình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer hàng năm giảm trên 4,5%. 

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý RoTha cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Thực hiện chương trình, Sóc Trăng đã tập trung triển khai các tiểu dự án trong vùng đồng bào, đặc biệt, tỉnh quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc đúng đối tượng và theo quy định. 

Từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Các hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng đều phát huy hiệu quả tích cực trong phục vụ sản xuất, từ đó tăng thêm thu nhập từng bước thoát nghèo bền vững.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, nhất là việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân tộc thiểu số. Tỉnh tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn của tỉnh theo kế hoạch phân bổ của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định giao vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo đúng quy định và hiệu quả, đúng tiến độ, với các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tích cực của các cấp, ngành trong tỉnh, Sóc Trăng sẽ sớm thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: PV
Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm
Phát triển kinh tế lâm nghiệp xứng tầm

Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 143.683 ha, với 3 hệ sinh thái mặn, ngọt và rừng trên đảo vô cùng phong phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN