Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được phân công chủ trì tổ chức thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em". Bên cạnh việc duy trì triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện đẩy mạnh việc thành lập, phát triển các mô hình sinh kế khai thác các thế mạnh địa phương, tài nguyên, tri thức bản địa, coi là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phụ nữ khu vực dân tộc thiểu số, biên giới tạo ra thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Từ năm 2017-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ cho 63.864 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó khoảng 1.100 phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công; gần 200.000 phụ nữ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm; 4.747 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ được thành lập; triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 210 xã biên giới khó khăn khoảng 6,5 triệu con giống; gần 5 tỷ đồng vốn vay. Đặc biệt, các cấp Hội đẩy mạnh việc thành lập, phát triển các mô hình sinh kế khai thác các thế mạnh địa phương, tài nguyên, tri thức bản địa, coi là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ phụ nữ khu vực dân tộc thiểu số, biên giới tạo ra thu nhập ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong quý II/2023, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức đánh giá thực trạng các mô hình sinh kế tại 26 tỉnh biên giới và tiến hành khảo sát thực địa tại 3 tỉnh biên giới đại diện vùng miền (gồm Lạng Sơn, Nghệ An và Đắk Nông), thông qua thu thập thông tin bằng phiếu hỏi, phỏng vấn sâu, tổ chức hội thảo với đại diện lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương…
Qua đánh giá, Hội Liên hiệp Phụ nữ, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và các thành viên mô hình đều cho rằng, mô hình sinh kế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và cộng đồng. Mức độ thụ hưởng đời sống văn hóa, cơ hội được học hành, đạo tào nghề cho phụ nữ được cải thiện. Đặc biệt, chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, trong đó có hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đã góp phần đưa 49/210 xã tại 26 tỉnh biên giới hoàn thành các chỉ tiêu về đích nông thôn mới.