Gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Sáng 13/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp du lịch để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
Đại diện các doanh nghiệp du lịch chia sẻ, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, có tới 80-90% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng kinh doanh, một số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Cụ thể, ngành dịch vụ lưu trú giảm 96%, ngành lữ hành giảm 90% nội địa và 100% quốc tế, ngành dịch vụ giảm từ 15- 40%... Riêng các cơ sở lưu trú có quy mô càng lớn thì tác động từ dịch COVID-19 càng cao.

Để ứng phó với tác động của dịch COVID-19, đa số doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp như: cho lao động nghỉ không lương (từ 22- 50%), giảm lượng nhân công, cho lao động nghỉ luân phiên, giãn giờ làm, cắt giảm lao động…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: năm 2020, các chính sách của Chính phủ đã kịp thời, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung như: chính sách giãn thời gian trả nợ vay, tiền thuê đất, giảm tiền điện, một số chính sách về thuế…

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch COVID-19 có thể kéo dài đến năm 2021 và khả năng phục hồi du lịch trong năm nay vẫn khó khăn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch mong muốn chính sách đã triển khai trong năm 2020 sẽ được tiếp tục kéo dài và áp dụng đến cuối năm 2021 để doanh nghiệp du lịch có thể trụ vững trong thời gian này và phát triển thời gian tới.

Tại hội nghị, đa số các doanh nghiệp đều đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giãn, lùi thời gian trả lãi vay và tiền gốc cho các hợp đồng tín dụng đến hạn trả được kéo dài đến năm 2022. Bên cạnh đó, giảm lãi suất vay ưu đãi từ 30% trở lên so với lãi suất cho vay theo quy định thông thường…

Các doanh nghiệp đề nghị xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2021, hoãn nộp tiền thuê đất sang đầu năm 2022. Cùng với đó là đề xuất giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, giảm 50% phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn năm 2021…

Ngoài vấn đề liên quan đến tác động của dịch COVID -19, các doanh nghiệp còn đề xuất xoay quanh việc xử lý rác thải đại dương, tình trạng xâm thực bờ biển, tình hình buôn bán hàng rong, giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch tại chỗ…

Bà Kristy Marland, đại diện Blue Ocean resort bày tỏ: Hiện nay, ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do tình trạng xâm thực biển, mất bờ biển.Vì vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn tỉnh có chủ trương đầu tư, xây dựng kè kiên cố để chống xói lở...

Tất cả kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đều được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trực tiếp giải đáp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa cho biết, đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền của địa phương, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “việc nào dễ làm trước, việc khó sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình làm sau”. Riêng đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương liên quan đến vấn đề thuế, tiền thuê đất, lãi suất ngân hàng… Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có bản tổng hợp kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mong muốn, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp du lịch tiếp tục nỗ lực, tự xây dựng phương án khôi phục hoạt động, từng bước góp phần phục hồi ngành du lịch của tỉnh.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp du lịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, Bình Thuận đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, giảm 48,5% so với năm 2019. Trong đó, khách quốc tế khoảng 170 nghìn lượt, giảm 77,9% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so với năm 2019).

Hồng Hiếu (TTXVN)
Đà Nẵng đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp sau dịch COVID-19
Đà Nẵng đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp sau dịch COVID-19

Ngày 17/9, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, đơn vị này đã nghiên cứu và đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN