Gỡ khó cho doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc xét giãn đóng bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 để có thời gian khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Giảm gánh nặng các khoản chi

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Công ty CGV đã phải cho trên 600/830 lao động tạm nghỉ việc do doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng hoạt động kinh doanh. Ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện truyền thông Công ty CGV cho biết, đây là lần đầu tiên DN gặp khó khăn do các rạp phim phải đóng cửa theo quy định của cơ quan nhà nước.

Chú thích ảnh
Công ty CGV đã phải cắt giảm 600 lao động trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

“Nguồn doanh thu không có, trong khi đơn vị vẫn phải chi trả các chi phí khác như vận hành, thuê mặt bằng, lương cho người lao động… Vì vậy, việc nhà nước ban hành các quy định hỗ trợ DN như gia hạn thuế, giãn đóng BHXH, cụ thể là tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, đã giúp công ty giảm một phần gánh nặng trong chi phí để hồi phục sản xuất. Hiện nay, CGV đã được giãn đóng BHXH khoảng 8,8 tỷ đồng/trong thời gian 4 tháng kể từ tháng 3”, ông Nguyễn Quốc Khánh nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thu Bình, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty CP Đầu tư thương mại Hiệp Bình, cũng cho biết là đơn vị vừa hoạt động sản xuất vừa kinh doanh thương mại, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, công ty đã bị ảnh hưởng rất lớn như phải tạm dừng hoạt động sản xuất, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh tại các trung tâm thương mại lớn… khiến doanh thu giảm khoảng 50%, nhân sự cũng phải tạm ngưng việc.

“Khi biết DN gặp khó khăn, BHXH Thành phố đã có công văn hướng dẫn DN làm hồ sơ tạm hoãn đóng BHXH với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng/tháng. Điều này đã giúp DN có thời gian giãn các khoản chi để đầu tư vào việc khôi phục sản xuất, vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, bà Nguyễn Thu Bình nói.

Chú thích ảnh
Việc ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của các doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn của người lao động.

Tuy nhiên, theo các DN, khi triển khai nộp hồ sơ giãn đóng BHXH cũng gặp phải những khó khăn do đây là lần đầu tiên DN thực hiện nên việc chuẩn bị hồ sơ theo các hướng dẫn của cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan còn chưa kịp thời. Cụ thể, thời điểm ban đầu, công văn hướng dẫn đóng BHXH chưa thực sự rõ ràng, chi tiết nên DN còn lúng túng trong việc chuẩn bị hồ sơ. Hay quy định về số lượng từ 50% lao động bị tạm ngưng việc thì DN mới được hưởng chính sách giãn đóng BHXH cũng gây khó khăn cho DN. Chẳng hạn, với đặc trưng của ngành dệt may, da giày rất khó tuyển lao động và đông công nhân nên dù gặp khó khăn rất lớn, DN vẫn tìm mọi cách nhằm duy trì nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh qua đi nên rất khó đạt chỉ tiêu giảm từ 50% lao động…

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó

Để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch, sắp tới, ngành BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm định cho những DN thực sự gặp khó khăn để giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp có thể kê khai nộp hồ sơ giãn đóng BHXH tại BHXH TP Hồ Chí Minh và được giải quyết trong vòng 2-3 ngày.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, cho biết tính đến nay đã có 180 DN gặp khó khăn được giãn đóng BHXH vào quỹ tử tuất và hưu trí do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là những DN bị cắt giảm từ 50% lao động trở lên. Theo đó, đã có 13.735 người lao động tại 180 doanh DN này phải tạm ngưng việc được ngưng đóng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền gần 60 tỷ đồng. Những DN này được tạm ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất (22%) cho người lao động từ 3-6 tháng.

Theo thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2019, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2,5 triệu lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lao động trên địa bàn giảm hơn 200.000 người, trong đó có gần 90.000 trường hợp phải nghỉ việc không hưởng lương.

Chú thích ảnh
 DN có thể kê khai điện tử hoặc trực tiếp với các cơ quan BHXH để được giãn đóng BHXH khi gặp khó khăn. 

Ông Nguyễn Quốc Thanh cho rằng, việc ngưng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất của các doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn của người lao động. Trong thời gian giãn đóng, người lao động vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi trên. Đối với trường hợp người lao động nghỉ việc trong thời gian giãn đóng BHXH sẽ được doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội bổ sung để được chốt sổ. Sau khi hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ 3 - 6 tháng), các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động.

“Những ngày qua, BHXH Thành phố cũng tích cực phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, thẩm định những doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn để giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH kịp thời, đúng quy định. Vì vậy, DN nào đang phải cắt giảm lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh hãy liên hệ các phòng lao động quận, huyện, BHXH địa phương để được hướng dẫn các thủ tục thực hiện kê khai giãn đóng BHXH. Thời gian giải quyết hồ sơ cho việc giãn đóng BHXH được giải quyết nhanh chóng chỉ trong vòng 2-3 ngày. DN có thể kê khai điện tử, trực tiếp… với các cơ quan BHXH”, ông Nguyễn Quốc Thanh nói thêm.

Bài và ảnh: Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới nền hành chính phục vụ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng tới nền hành chính phục vụ

Xác định cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế về an sinh xã hội đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và khu vực, trong thời gian qua Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN