Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống bà con dân tộc thiểu số đã dần đi lên, tạo tiền đề cho việc thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất, nâng cao dần đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện 30A duy nhất còn lại của tỉnh Gia Lai.
Huyện Kông Chro với hơn 74% là người đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc huyện 30A của cả nước. Theo thống kê của UBND huyện Kong Chro, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 94,8%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân nơi đây chưa có hướng thoát nghèo bền vững. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền huyện Kông Chro đã đề ra nhiều giải pháp, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, nhằm giúp người dân huyện Kong Chro vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, kéo giảm khoảng cách xã hội.
Gia đình anh Đinh Ươn, Dân tộc Bahnar, làng Tpôn, xã Yang Nam, huyện Kong Chro là một trong những hộ nghèo của làng vì thiếu sinh kế. Năm 2016, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình anh được trao 1 con bò sinh sản để làm bàn đạp thoát nghèo.
Nhờ chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp mà đàn bò gia đình anh đã sinh sản, tăng lên được 5 con. Thấy anh có chí làm ăn, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho gia đình anh vay vốn ngân hàng chính sách để mua đất sản xuất. Cuối năm 2020, gia đình anh đã ra khỏi diện nghèo, đời sống bắt đầu khởi sắc.
Cũng là một hộ vươn lên nhờ hỗ trợ từ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, anh A Nhok, làng Tpôn, xã Yang Nam, huyện Kong Chro, cho biết, gia đình anh đông con, thuộc hộ nghèo, năm 2016 được chính quyền địa phương hỗ trợ bò cái sinh sản và tập huấn cách chăn nuôi để cho bò phát triển tốt. Từ một con bò cái, nay đàn bò đã có 4 con béo tốt. Gia đình anh cũng được vay 20 triệu đồng vốn ngân hàng chính sách để đầu tư mua 2 ha sắn. Từ đó, gia đình anh đã có tiền cho con đến trường và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020.
Thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư, đồng bộ nhiều chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, 30A,... đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kong Chro ngày càng khởi sắc. Tính đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) giảm xuống còn 11,03%, trung bình mỗi năm giảm 7,14%.
Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, việc giảm nghèo cho người dân tại một huyện đặc biệt khó khăn không thể tính được trong thời gian ngắn mà cần có kế hoạch dài hơi và cả hệ thống chính trị huyện Kong Chro đang nỗ lực thực hiện điều này.
Hầu hết các nguồn lực đều được đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, nhờ các chính sách, chương trình giảm nghèo được hệ thống chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp đến cụm dân cư, từng nhà dân nên cộng đồng người dân tộc thiểu số, người nghèo trên địa bàn đã có nhiều điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tư duy, cách thức làm ăn của bà con từng bước được cải thiện. Theo đó, các chính sách về giảm nghèo, kết quả giảm nghèo đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, càng ngày cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, nỗ lực giảm nghèo tại Kong Chro cũng còn những hạn chế nhất định, do trình độ nhận thức của người dân nên việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, người dân còn giữ nhiều tập tục lạc hậu tốn nhiều thời gian và tiền của dẫn đến sự kìm hãm về phát triển kinh tế. Ngoài ra, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 của 2 năm trở lại đây khiến các mặt hàng nông nghiệp không có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh, ảnh hưởng không nhỏ đến các chương trình giảm nghèo trên địa bàn.
Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kong Chro đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng về việc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, các ngành chuyên môn cũng sẽ tích cực hướng dẫn người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế và tận dụng nguồn lực lao động tại chỗ, khai thác tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm nông nghiệp địa phương...
Để có kinh phí kịp thời thực hiện các chương trình, chính sách như dự kiến, lãnh đạo huyện Kong Chro đã đề xuất các bộ, ngành liên quan phân bố kịp thời nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cùng nguồn kinh phí một số chương trình khác liên quan để huyện chủ động triển khai kế hoạch.