Đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết triển khai đưa Chỉ thị vào cuộc sống, trong đó có riêng một văn bản về việc trích ngân sách địa phương chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Gần đây nhất là văn bản về việc tăng cường huy động vốn, tập hợp các nguồn lực tài chính có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước tập trung về NHCSXH nhằm tạo thêm vị thế, nhiệm vụ cho tín dụng chính sách.
Tính đến ngày 31/7/2020 tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH Phú Thọ đạt 4.389 tỷ đồng, tăng 195 tỷ đồng so với 31/12/2019, hoàn thành 98,74% kế hoạch, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 61 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở thuộc tỉnh Phú Thọ đã “chung tay, góp sức” cùng NHCSXH xây dựng, củng cố mạng lưới có độ che phủ khắp toàn tỉnh với 277 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 4.038 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở mọi thôn bản.
Có nguồn vốn lớn, có mô hình tổ chức phù hợp và mạng lưới rộng khắp, nên NHCSXH Phú Thọ đã chủ động hoạt động theo phương thức cấp tín dụng ưu đãi trực tiếp, kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Thông qua phương thức này, đồng vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện giúp đến 700.000 lượt hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Cụ thể 33.260 lao động được tạo việc làm; 10.076 căn nhà được xây dựng theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, 96,732 học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 7.719 lao động vay được vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và 134.148 công trình vệ sinh được sửa chữa, xây mới….
Nguồn vốn chính sách đã giúp bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt… Cũng nhờ vốn chính sách đã phòng ngừa và góp phần hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại lâu nay trong vùng nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Anh Đinh Văn Thành, dân tộc Mường, ở khu Quyết Tiến, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn, đã tận dụng lợi thế đất đai và tiền vốn ưu đãi, cải tạo nương đồi, dựng chuồng trại kiên cố, nuôi bò 3B thương phẩm theo hướng hàng hóa, kết hợp trồng trọt các loại cây ăn quả, cây rừng nguyên liệu để phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm lại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên thường không có lãi, sản phẩm tiêu thụ chậm. Tuy nhiên anh Thành không nản chí, quyết tâm tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tham quan các mô hình tiên tiến trong khu vực lân cận để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Với sự năng động, có hướng đi đúng, mô hình chăn nuôi bò thương phẩm của gia đình anh Thành từng bước phát triển. Hiện nay, anh nuôi bình quân 20 con bò thịt/lứa, thu nhập mỗi năm trung bình từ 300 đến 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích mặt nước 1.000m2, anh nuôi thêm cá trắm, rô phi đơn tính, vịt, ngan…., bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Còn ở huyện Tân Sơn, vốn tín dụng ưu đãi làm động lực thúc đẩy huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a, cùng hàng nghìn hộ đồng bào DTTS chấm dứt cảnh khó khăn túng bấn, nâng cao cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần. Điển hình như nhà chị Phùng Thị Vinh, dân tộc Tày, đã sử dụng vốn ưu đãi trồng rừng keo, chăn nuôi trâu bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ lao động, lại biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đến nay rừng keo 4 ha lớn nhanh, xanh tốt, bắt đầu cho khai thác. Nguồn thu nhập từ kinh tế đồi rừng, chuồng trại giúp vợ chồng chị mua sắm được máy xay xát lương thực, ô tô bán tải. “Phấn khởi bởi thoát cảnh nghèo khó, nhưng gia đình tôi vẫn mong muốn được tiếp cận tới nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng mô hình kinh tế trang trại” chị Vinh hồ hởi nói.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng đã tiếp sức mạnh để giảm nghèo bền vững cho những hộ mới thoát nghèo ở huyện Cẩm Khê. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Hằng ở khu 2, xã Phú Lạc được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm, đầu tư trồng chè, chăn nuôi dê, kết hợp đan lát mây tre, thu lãi 200 triệu đồng/năm. Vợ chồng chị nay có tiền tích lũy, xây nhà 2 tầng khang trang, nuôi 3 người con ăn, học đầy đủ.
Nguồn vốn tăng trưởng không ngừng, trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ, phản ánh ý thức rất cao của người dân với việc sử dụng nguồn vốn này. Thông qua hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống trong nhân dân các vùng, củng cố nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước.
Đánh giá về hoạt động của NHCSXH trong thời gian qua, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: “Đây là kênh tín dụng phù hợp, hiệu quả, quan trọng nhất đóng góp giúp cho tỉnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững”.