Trong khi đó, Đắk Lắk là tỉnh từng lưu hành các loại cúm gia cầm, nhất là cúm A/H5N1. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch lây lan sang người.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn gây ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công điện khẩn yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Các huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, đường sông để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các địa phương tăng cường công tác truyền thông để người dân không tham gia hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp, lực lượng chức năng thực hiện tiêu hủy ngay theo quy định (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn và gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định. Sở quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngành Y tế tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1; chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, không để xảy ra trường hợp người tử vong do bệnh cúm gia cầm gây ra.
Tháng 11/2022, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1 tại huyện Krông Pắc khiến 1.540 gia cầm mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy.