Trước đó, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phước đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Phước Hòa, Phước Sơn phối hợp với ngành chức năng huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tiến hành cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình vi phạm đối với 30 trường hợp cắm cọc, quây lưới trái phép để nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại với tổng diện tích 136,1 ha, thuộc thôn Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa) và thôn Vinh Quang 2 (xã Phước Sơn).
Trong đó, có 18 trường hợp nằm trong Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại (do Trung tâm Khuyến nông Bình Định quản lý) với tổng diện tích bị lấn chiếm là 87,6 ha. Còn lại 12 trường hợp lấn chiếm nằm ngoài Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại với tổng diện tích 48,5 ha; trong đó ông Hồ Văn Liền (trú thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) lấn chiếm 7,1 ha mặt nước, ông Nguyễn Nhẫn (ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa) lấn chiếm 0,57 ha mặt nước.
Việc cắm cọc, quây lưới trái phép để nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại trong thời gian qua đã gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, gây khó khăn cho công tác quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản, phát sinh nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện.
Do không xử lý nghiêm nên mặt nước đầm Thị Nại ngày càng bị lấn chiếm. Nhiều người mang tre, trảy, thậm chí lén lút chặt phá rừng đước để cắm cọc, quây lưới thả nuôi sìa, cua ở tầng đáy; thả lưới lồng tận thu thủy sản ở tầng trên. Tình trạng này gây bức xúc cho người dân hành nghề khai thác thủy sản truyền thống; làm nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Trước đây, chính quyền địa phương đã vận động người dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính một số hộ nhưng cũng không đủ sức răn đe. Do đó, việc kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm mặt nước trên đầm Thị Nại vừa qua là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, thời gian tới, ngành chức năng huyện Tuy Phước sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã và Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm soát chặt tình hình, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm mặt nước đầm để nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đồng thời, huyện kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm quy hoạch và đưa Khu sinh thái Cồn Chim trở thành điểm du lịch sinh thái nhằm tạo sinh kế cho người dân sống quanh đầm Thị Nại.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, để tránh tình trạng người dân tái lấn chiếm trái phép mặt nước Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tổ chức các lớp tập huấn về bảo vệ rừng, hệ sinh thái đầm và phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Ngoài ra, Trung tâm sẽ triển khai các chương trình, dự án bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, mô hình khuyến nông kết hợp hệ sinh thái cây ngập mặn để tạo ra sinh kế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được biết, tình trạng lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại để nuôi trồng, khai thác thủy sản kéo dài từ năm 2013 đến nay, tập trung chủ yếu tại 3 xã: Phước Hòa, Phước Sơn và Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Có thời điểm, tại 3 xã trên có đến 125 trường hợp lấn chiếm mặt nước đầm Thị Nại với tổng diện tích hơn 170 ha.