Đưa Ninh Thuận trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển

Ngày 7/9, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Hậu nêu rõ, qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, tốc độ phát triển của tỉnh có sự bứt phá mạnh mẽ. Kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá. GRDP bình quân ước tăng 9,28%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,5 lần so với năm 2020, bằng 78,9% mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Đặc biệt, nhiều nhân tố mới có hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh được nhân rộng. Các tiềm năng, lợi thế, khâu đột phá về năng lượng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế biển, du lịch... được tập trung thực hiện và phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư; thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục tiếp tục nâng lên. Các chính sách an sinh - xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới cải thiện. Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được triển khai đạt kết quả. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo với tinh thần chủ động, sâu sát, quyết liệt, toàn diện, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được đổi mới. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng rõ nét. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Qua thảo luận và phân tích, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù bức tranh phát triển của tỉnh có nhiều điểm sáng, kinh tế tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhiều chỉ tiêu còn khó khăn so với mục tiêu đặt ra. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực. Kết quả thực hiện qua 2 năm 2021 - 2022 và 6 tháng năm 2023, ước thực hiện cả năm 2023 có 16 chỉ tiêu đạt khá và có khả năng hoàn thành. 3 chỉ tiêu còn nhiều khó khăn đó là tốc độ tăng GRDP mới ước đạt 9,28% (mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 10 - 11%), thu ngân sách ước đạt 3.658 tỷ đồng, đạt 57,2% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng), cơ cấu kinh chuyển dịch còn chậm, chưa đi vào chiều sâu.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh, để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đặt ra, Tỉnh ủy tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội và các nghị quyết chuyên đề, quyết tâm thực hiện thắng lợi 100% chỉ tiêu; phấn đấu vượt chỉ tiêu đối với các chỉ tiêu đã đạt khá và có khả năng hoàn thành. Một số chỉ tiêu đạt thấp, còn nhiều khó khăn và một số chỉ tiêu khác. Tỉnh sẽ xác định lộ trình cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để 2 năm còn lại đạt kết quả như mong muốn.

Cụ thể, đối với tốc độ tăng GRDP, để đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tốc độ tăng GRDP trong 2 năm 2024 - 2025 phải đạt từ 11-12%; thu ngân sách đến năm 2025 đạt từ 6.400 - 6.500 tỷ đồng, 2 năm còn lại mỗi năm tăng thêm từ 1.371 - 1.421 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ phải đạt cao. Về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới, để đạt mục tiêu hằng năm giảm 1,5 - 2% thì 2 năm còn lại, mỗi năm giảm ít nhất 1,7%, tương ứng mỗi năm giảm từ 3.100 - 3.200 hộ...

Để đạt kết quả trên, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm theo lộ trình phù hợp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tỉnh tập trung các nhóm ngành, lĩnh vực trọng điểm là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, nông - lâm nghiệp chiếm 44 - 45%, thủy sản chiếm 55 - 56% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tỉnh tập trung phát triển mạnh kinh tế biển để đưa Ninh Thuận trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển. Tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, phấn đấu đến năm 2025, ngành công nghiệp chiếm 29-30% GRDP của tỉnh...

Ninh Thuận tiếp tục thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bảo đảm thực chất hơn; tiếp tục triển khai chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm; thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, có đạo đức, nhân cách, lối sống đẹp, phát huy ý chí, khát vọng phát triển trong thời kỳ mới...

Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là tập trung lãnh đạo triển khai có hiệu quả Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Ninh Thuận: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững
Ninh Thuận: Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

Ninh Thuận là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học phong phú. Toàn tỉnh hiện có trên 147.419ha rừng tự nhiên và trên 10.666ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 47,11%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN