Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, từ đầu tháng 8 đến 11/8, toàn tỉnh đã ghi nhận 67 ca mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 246 ca, tăng 7,5 lần so với cùng kỳ 2022. Trong đó, địa phương có số ca mắc bệnh cao là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm với 75 ca, huyện Ninh Phước 61 ca, huyện Ninh Hải 56 ca, huyện Thuận Nam 23 ca, còn lại là các huyện khác. Dù tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong, nhưng qua giám sát tại cộng đồng, đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với chủng virus EV71. Đây là chủng virus dễ làm bệnh trở nặng và nguy cơ tử vong cao.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng có chiều hướng tăng, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác phòng, chống, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp bị mắc bệnh tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nhà trẻ và trong cộng đồng dân cư để có biện pháp xử lý sớm, kịp thời, không để bùng phát thành dịch lớn.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở phòng bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc để bổ sung đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. Đồng thời, tăng cường theo dõi người mắc bệnh đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có phác đồ điều trị tốt nhất; kịp thời phát hiện, điều trị sớm các trường hợp bệnh có diễn biến nặng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Những ngày qua, một số địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao đã khẩn trương phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống bệnh tay chân miệng; khuyến cáo người dân thực hiện nguyên tắc "ba sạch" để phòng, chống bệnh hiệu quả...
Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế công tác phòng bệnh tại một số địa phương trọng điểm. Theo đó, đối tượng kiểm tra tập trung vào các trường mẫu giáo, nhà trẻ và những hộ dân có người thân mắc bệnh; kiểm tra các cơ sở y tế về công tác chuẩn bị trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, việc thu dung, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cho biết, bệnh tay chân miệng có thể sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể còn tăng thêm vì sắp bước vào năm học mới, việc lây lan bệnh là khó tránh khỏi. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thay đổi hành vi, nếp sống giữ gìn vệ sinh môi trường.
Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, bệnh tay chân miệng là do một nhóm virus có tên Enterovirus gây nên, lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống…; cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, xử lý và điều trị kịp thời, không để bệnh bùng phát.