Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 297 cơ sở giáo dục gồm 295 cơ sở giáo dục từ bậc Mầm non đến Trung học Phổ thông và hai trung tâm giáo dục cấp tỉnh là Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp tỉnh. Tổng số học sinh mầm non và phổ thông đầu năm trên 149.160 em với 4.870 lớp, tăng 3.738 em/39 lớp so với năm học trước.
Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ năm học mới, tỉnh Ninh Thuận đã dành khoảng 370 tỷ đồng từ các nguồn vốn để xây phòng học, sửa chữa nâng cấp và mua sắm trang thiết bị. Trong đó, tỉnh xây mới 365 phòng học; sửa chữa 398 phòng học; 6 trường Trung học Phổ thông được sửa chữa các hạng mục như nhà vệ sinh, thay nền, la phông, tường rào và 5 cơ sở hạ tầng bể bơi cho các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đến thời điểm hiện tại, các trường học từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức tập trung học sinh. Ông Lê Nguyễn Lê Vi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển giáo dục Hoa Sen Việt Nam (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, hệ thống Trường liên cấp Hoa Sen có 5 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông với tổng số học sinh gần 1.500 em và trên 220 cán bộ quản lý, giáo viên.
Năm học mới này, các trường nằm trong hệ thống đã được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các phòng học được thiết kế thoáng mát, các phòng chức năng như tin học, thư viện điện tử, phòng thí nghiệm thực hành, âm nhạc, hội họa, nhà thi đấu đa năng, hệ thống hồ bơi, xe đưa đón, khu ở nội trú, vườn rau sạch dạy thực nghiệm rộng… được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài việc tuyển sinh theo quy định, Trường liên cấp Hoa Sen còn tiếp nhận trẻ em mồ côi cha mẹ, con liệt sĩ, con gia đình đặc biệt khó khăn… và tạo điều kiện cho các em ăn học miễn phí. Hội đồng sư phạm nhà trường đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và dân chủ.
Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, trang thiết bị dạy và học, sách giáo khoa cơ bản, bảo đảm tiến độ triển khai nhiệm vụ năm học mới. Để tiếp tục thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, ngành đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các nội dung về chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Đầu năm học mới, qua rà soát, Ninh Thuận còn thiếu trên 600 giáo viên, chủ yếu ở cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở. Nguyên nhân lầ do thiếu biên chế giáo viên và thực hiện lộ trình tinh giản 10%. Các trường không có kinh phí để hợp đồng hoặc trả tiền vượt giờ cho giáo viên. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc Tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương thấp hơn so với nhu cầu thực tế và một số nguyên nhân khác...
Để giải quyết vấn đề trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch, bố trí, rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, giảm điểm lẻ; bố trí phù hợp giữa các cấp học, phân công giáo viên giảng dạy liên trường đối với các môn học đặc thù, liên cấp ở một số môn học như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật..., để đảm bảo chương trình dạy và học được diễn ra xuyên suốt. Ngành Giáo dục báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết khó khăn, đảm bảo cho đội ngũ giáo viên yên tâm đứng lớp trong năm học mới 2023 - 2024 và những năm tiếp theo.