Buổi tập huấn nhằm hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường Trung học Cơ sở của 5 tỉnh Tây Nguyên cách thức tổ chức triển khai, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh Trung học Cơ sở.
Tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai trên thế giới ngày càng gia tăng, cực đoan, trong đó đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn… xuất hiện với tần suất ngày càng cao gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra 882 trận thiên tai, làm 83 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế gần 1.300 tỷ đồng.
Mỗi trận thiên tai đi qua, để lại những đau thương, thiệt hại về tài sản của nhà nước, nhân dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có trẻ em. Để phần nào giúp gia đình, nhà trường và cộng đồng chủ động ứng phó, hành động sớm trước thiên tai trong đó có hoạt động lấy trẻ em làm trung tâm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg, ngày 6/4/2021, phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Trong đó, Đề án có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục trong nhà trường; chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về kiến thức phòng chống thiên tai; phổ biến kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai trong trường học đặc biệt là ở những vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, trong đó có khu vực Tây Nguyên.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai mong muốn, qua lớp tập huấn, các đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo để lan tỏa hoạt động cộng đồng. Qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, tạo được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà trường vào công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Đoàn Quang Hưng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, mỗi năm, Đắk Lắk chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai, đặc biệt là lũ, ngập lụt, sạt lở, hạn hán…, tàn phá nền sản xuất nông nghiệp và môi trường nông thôn rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương vùng thiên tai bị phá vỡ; điều kiện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho chính quyền các cấp và mọi người dân.
Thông qua hội thảo, với những ý kiến đánh giá sát thực, những bài học kinh nghiệm hay, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống thiên tai trong những năm tới sẽ có những giải pháp mới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai của các địa phương, tiến tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được quán triệt các chuyên đề về: Lồng ghép tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp Trung học Cơ sở; tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào các chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm; giới thiệu một số hoạt động ngoại khóa nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai…