Đông Nam Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm

Bước sang năm mới 2025, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng và cả nước, các công trình giao thông trọng điểm trên vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ vẫn đang không ngừng được tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ thi công với phương châm “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”…

Theo đó, các địa phương trong vùng có nhiều giải pháp thiết thực nhằm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Hàng trăm mũi thi công với 10.000 nhân công và máy móc thi công trên công trường sân bay Long Thành. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Tăng tốc thi công, về đích đúng kế hoạch

Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án sân bay lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần thị sát và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Sân bay Long Thành để hoàn thành vào cuối năm 2026. Trên đại công trường Cảng hàng không quốc tế Long Thành những ngày cuối năm 2024, hàng nghìn kỹ sư, công nhân làm việc miệt mài, “3 ca, 4 kíp”, không quản thời tiết nắng mưa thất thường nhằm rút ngắn thời gian thi công những vẫn phải bảo đảm chất lượng công trình.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đến thời điểm này, các dự án thành phần Cảng hàng không quốc tế Long Thành đáp ứng tốt tiến độ. Tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách dự kiến hoàn thành trước 12/2025. Công trình đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đã thi công vượt tiến độ ba tháng so với kế hoạch. Các dự án giao thông kết nối cũng sẽ hoàn thành chậm nhất cuối năm 2025…

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh Lê Ngọc Hùng cho biết, dự án Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài 47,3 km, tổng mức đầu tư hơn 41,3 nghìn tỷ đồng với 10 gói thầu hiện đang trong giai đoạn tăng tốc thi công, tập trung các hạng mục kết cấu phần dưới các cầu, bắt đầu lao lắp dầm; tập trung huy động cát để thực hiện các hạng mục xử lý đất yếu… Tính đến cuối năm 2024, sản lượng thực hiện 10 gói thầu khoảng 30% giá trị xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.

Với tính chất là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, Vành đai 3 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương tuyến đi qua; nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo hai bên đường. Sau khi hoàn thiện, Vành đai 3 góp phần giảm ách tắc giao thông ở TP Hồ Chí Minh; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.

Ngày 30/12/2024 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đồng loạt thông xe các công trình: cầu Phước Long (nối quận 7 và huyện Nhà Bè), hầm chui HC1 (nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), đường song hành quốc lộ 50 giai đoạn 1 (huyện Bình Chánh), Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, việc thông xe, đưa các công trình trên đi vào phục vụ người dân cùng với việc thông xe cầu Rạch Đỉa và hầm chui HC2 trước đó đã góp phần tăng cường kết nối giao thông giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực phía Nam thành phố.

Cùng thời điểm, công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) ở cửa ngõ phía Tây TP Hồ Chí Minh cũng chính thức thông xe, giúp giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ Tây Nam TP Hồ Chí Minh, thuận lợi kết nối huyện Hóc Môn, các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình với sân bay Tân Sơn Nhất và khu nội đô thành phố.

Chú thích ảnh
Hiện nay tiến độ thi công cầu Nhơn Trạch đã đạt 81 % khối lượng công việc. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Tập trung nhiều nguồn lực cho các dự án

Đối với đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu tiếp tục cải thiện tiến độ dự án trên công trường, tập trung ưu tiên máy móc, thiết bị, vật tư.  Theo đó, đoạn 14,7 km tuyến chính phấn đấu ngày 31/12/2025 thông xe kỹ thuật; đoạn xây lắp 1 kết nối với cầu Nhơn Trạch phấn đấu thông xe ngày 30/4/2025. Các địa bàn khác phải thông xe kỹ thuật vào ngày 30/4/2026, vì một số đoạn phải nâng cấp nền đất yếu.

Ông Bùi Xuân Cường yêu cầu, các nhà thầu nỗ lực hơn, khẩn trương hơn nữa. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt an toàn cho công nhân, kỹ sư, tránh xảy ra các sự việc đáng tiếc. Đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông toàn tuyến đối với công trình trọng điểm quốc gia.

TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu như cát, đá và đồng hành trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Thành phố kỳ vọng các công trình giao thông quan trọng sẽ được triển khai thuận lợi, góp phần tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán 2025 nhiều gói thầu, dự án, gồm: một đơn nguyên cầu Tăng Long; đường Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1); đường Hoàng Hoa Thám; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (giai đoạn 1); cầu Tân Kỳ Tân Quý; cầu Bà Hom; cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú; đường Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não)…

Tại tỉnh Bình Dương, hưởng ứng kế hoạch 500 ngày đêm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc năm 2025, tỉnh cố gắng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đoạn tuyến Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương từ Mỹ Phước - Tân Vạn đến Quốc lộ 13 và các cầu vượt giao lộ, cố gắng tháng 6/2026 thông toàn tuyến.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu thành phố Thuận An phải hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời lưới điện trước ngày 15/1/2025, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương; phấn đấu hoàn thành và khánh thành dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 trong dịp  30/4/2025.

Năm 2025 này, tỉnh Bình Dương tiếp tục khởi công, tăng tốc thi công 5 dự án giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỷ USD. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo, phải khởi công đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh trong quý I/2025. Khi các dự án trên hoàn thành sẽ tạo thành mối liên kết tương đối hoàn chỉnh kết nối các địa phương của Bình Dương với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tạo lực để Bình Dương bứt tốc phát triển kinh tế xã hội.

Đối với dự án đường Vành đai 4 qua Bình Dương, dài 47,5 km được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 18.247 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bình Dương đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng toàn tuyến, đang hoàn thiện hồ sơ để sớm khởi công dự án.

Hồng Đạt (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Thông xe 4 công trình giao thông trọng điểm phía Nam và Tây thành phố
TP Hồ Chí Minh: Thông xe 4 công trình giao thông trọng điểm phía Nam và Tây thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt thông xe 4 dự án giao thông trọng điểm nằm ở Quận 7, huyện Bình Chánh và quận Bình Tân nhằm giúp tăng cường kết nối, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực phía Nam và phía Tây thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN