Đồng Nai thu hút đầu tư trồng cây dược liệu

Thuốc bào chế từ cây cỏ dược liệu ngày càng được đánh giá cao, vì loại thuốc này đã chứng mình được tính hiệu quả trong sử dụng để hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Đồng thời với đó, cây dược liệu cũng được trồng ngày càng nhiều để cung cấp cho thị trường, từ đó mở ra thêm hướng làm kinh tế mới cho nông dân.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các cấp quan tâm đến các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước.

Đổi đời nhờ trồng cây dược liệu

Anh Nguyễn Văn Khôn, ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, là 1 trong 63 nông dân được tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Anh Nguyễn Văn Khôn hiện là Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An, sản xuất nhiều sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang; trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Nai.

Để có sự thành công hiện nay, anh Khôn và doanh nghiệp cũng đã phải trải qua bao thăng trầm, nhưng với ý chí và niềm tin mãnh liệt vào cây xáo tam phân, cùng sự nhạy bén thị trường, anh đã gặt hái được thành tựu mà bao người mơ ước.

Từ Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh học tập và làm việc, năm 2012, cuộc đời anh Khôn rẽ sang môt bước ngoặc khác, khi anh biết tới cây xáo tam phân, một loài cây dược liệu quý lúc đó đang được thương lái thu mua với giá lên đến 500-700.000 đồng/cây. Do giá cao, nên người dân đổ xô đi đào cây xáo tam phân.

Qua tìm hiểu, anh Khôn biết được đây là loài cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao, đồng thời trước thực trạng khai thác quá mức có thể dẫn đến khan hiếm, anh đã quyết định bỏ việc ở TP Hồ Chí Minh về Đồng Nai trồng cây xáo tam phân. Anh Khôn đã phá bỏ cây điều, tiêu của gia đình, để lấy đất trồng cây dược liệu này. Buổi đầu làm quen với cây trồng mới, chưa hề có kinh nghiệm, nên khu vườn 10.000 cây đang xanh tốt bỗng héo úa, phải đốn bỏ, do phân bón kém chất lượng.

Khởi nghiệp lần đầu coi mất trắng, hết vốn, nhưng anh Khôn vẫn không nản chí. Anh đi mượn tiền của bà con, bạn bè thân thiết, để bắt tay trồng lại, nhưng khi mượn tiền không dám nói là trồng cây xáo tam phân nữa, vì họ sợ lại thất bại không ai dám cho mượn. Rút kinh nghiệm, lần này anh lựa chọn phân bón kỹ lưỡng và áp dụng tiêu chuẩn bón phân hữu cơ, đồng thời anh cũng nhân giống cây bằng cách giâm cành, chứ không trồng bằng hạt như trước.

Hiện nay, anh Khôn sở hữu 5,6 ha đất trồng cây xáo tam phân, với hơn 500.000 cây nguyên liệu 6 năm tuổi. Anh được xem là người trồng cây xáo tam phân theo quy mô trang trại lớn nhất hiện nay. Ngoài ra, anh còn vận động người dân thành lập Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu- cây xáo tam phân tại xã Hưng Thịnh, đồng thời liên kết với nông dân ở các tỉnh thành mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100 hécta.

Chú thích ảnh
 Anh Nguyễn Văn Khôn thành công từ việc trồng, chế biến và kinh doanh cây dược liệu xáo tam phân.

Có trong tay nguồn nguyên dược liệu, anh Khôn lập doanh nghiệp chế biến các sản phẩm thảo dược từ xáo tam phân theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Năm 2020, sản phẩm trà túi lọc xáo tam phân của Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An được anh đưa đi chào hàng ở các siêu thị, nhà thuốc, khu du lịch, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Hội Nông dân tỉnh, và được thị trường đón nhận khá tốt. Hiện công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang; trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Đồng Nai.

Từ xưa, cây xáo tam phân có tác dụng chữa nhiều bệnh. Hiện nay, người ta nhận thấy rằng trong loại thực vật này chứa một số hợp chất hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Tất cả thành phần của cây đều là nguyên liệu để sản xuất dược liệu, nhất là phần rễ.

Theo anh Khôn, nếu chăm sóc tốt, sau khoảng 3 năm có thể thu hoạch lá; khoảng 6 năm thì thu hoạch được thân, rễ. Cây trồng càng lâu năm càng có giá trị vì tích hợp đủ các dược chất. Hiện tại, giá bán thân, lá tươi khoảng 250.000-300.000 đồng/kg. Rễ cây bán xô thì 1 triệu đồng/kg, hàng lựa có khi lên đến 5 triệu đồng/kg do đó đây là loài cây trồng cho thu nhập cao.

Được biết, ngoài chế biến sản phẩm thảo dược từ xáo tam phân, anh Khôn còn cung cấp cây giống cho người dân với giá bình quân 50.000 đồng/cây (bằng 1/10 thời điểm hơn 10 năm trước). Người trồng được đội ngũ kỹ thuật của công ty theo sát để hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch theo quy trình. Khi thu hoạch, công ty của anh Khôn nhận mua lại toàn bộ nguyên liệu để chế biến thành phẩm

Gìn giữ nguồn gen cây thuốc quý

Cách đây hơn 25 năm, vào năm 1999, Công ty CP Dược phẩm Thiên Dược (tỉnh Bình Dương), đã đến xã Long Phước, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đầu tư trồng 18 ha cây trinh nữ Crila. Theo người sáng lập công ty, TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, cây Trinh nữ Crila cũng là loài trinh nữ hoàng cung của Việt Nam, có hoạt tính sinh học chữa bênh ung bứu thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng đất này, do đó, bà đã đầu tư trồng cây này để sản xuất thuốc chữa bệnh về ung bứu với tên gọi Crila.

Quá trình trồng, chăm sóc, thu hái và bảo quản của công ty theo tiêu chí GACP – WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tổ chức y tế thế giới) , nhờ đó dược liệu Trinh nữ Crila (Trinh nữ hoàng cung) đạt hàm lượng hoạt chất sinh học cao và ổn định.

Từ nguồn dược liệu này, Công ty Thiên Dược đã sản xuất ra các loại thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt (được Cục Quản Lý Dược - Bộ Y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc vào năm 2005). Tiếp đó, ngày 23/10/2007, Cục Quản Lý Dược đã có công văn số 6104/QLD-ĐK bổ sung chỉ định điều trị u xơ tử cung đối với viên nang Crila.

Theo TS, DS Trâm, ở Việt Nam, có nhiều cây có hình dáng tương tự như trinh nữ Crila, tuy nhiên có gen và tác dụng sinh học khác nhau. Trong đó, một số loại có độc tính đối với gan và thận. Sau nhiều năm nghiên cứu, TS. DS Trâm chọn lọc ra giống cây trinh nữ Crila có hoạt chất tốt nhất, mang mã gen khác hoàn toàn các giống cây trên thế giới, được Cục trồng trọt (Bộ NN & PTNT) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng.  

Ông Nguyễn Kim Mạnh, Giám đốc vùng trồng trinh nữ Cirla Long Thành của công ty Thiên Dược cho biết, hiện nay, nhu cầu về nguồn dược liệu này ngày càng lớn, trong khi quỹ đất sản xuất trồng của công ty bị thu hẹp dần. Vì vậy, công ty đang xây dựng kế hoạch liên kết với nông dân có quỹ đất phù hợp tại địa phương, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch để nhân rộng diện tích cây dược liệu này và công ty sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Được biết, tại Đồng Nai thời gian qua có nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị trồng và thử nghiệm một số loài cây dược liệu quý, như mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng ở Xuân Lộc, trồng cây sâm bố chính theo hướng hữu cơ tại xã Phú An, huyện Tân Phú của Công ty CP Thương mại - sản xuất Đông Nam Dược Kim Nguyên (TP Hồ Chí Minh). Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Trồng cây dược liệu không chỉ để cung cấp nguyên liệu làm thuốc bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân, giúp nông dân tăng thêm thu nhập mà qua đó còn bảo tồn, gìn giữ nguồn gen thảo dược quý hiếm cho mai sau, do đó, theo TS. DS Trâm, Nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ cho người trồng cây dược liệu, chẳng hạn như cho thuê đất trồng ưu đãi, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có thực lực sản xuất ra sản phẩm dược  xuất khẩu.

Bài và ảnh: Tiến Phước
Xây dựng câu chuyện cho sản phẩm – hướng đi mới cho OCOP Đồng Nai
Xây dựng câu chuyện cho sản phẩm – hướng đi mới cho OCOP Đồng Nai

Đồng Nai có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 3 sao là 186, 4 sao là 46 sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN