Đồng Nai phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững

Đồng Nai có nhiều sông hồ, ngoài ra còn có rừng ngập mặn, nên có tiềm năng lớn để nuôi thủy sản, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thu tiền tỷ nhờ cá bè

Sông Đồng Nai cùng với các nhánh phụ, và những con sông khác chảy qua địa bàn tỉnh, từ bao đời nay đã gắn liền với đời sống của người dân, không chỉ cung cấp nguồn nước tưới tiêu dồi dào để phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản thiên nhiên vô cùng quý giá, đó là các loài tôm cá nước ngọt như cá lăng, chình, chạch, mè vinh, trèn, cá duồng...

Cũng nhờ những dòng sông này, hàng vạn người đã khấm khá nhờ nghề nuôi thủy sản. Từ các huyện đồi núi vùng cao của tỉnh như Tân Phú, Định Quán xuống tới Biên Hòa, hễ nơi nào có sông, hồ là nơi đó có người nuôi tôm cá.

Sông La Ngà, đoạn tiếp giáp hồ Trị An, từ nhiều năm qua đã nổi tiếng với nghề nuôi cá bè, với hàng trăm nhà bè nuôi cá, hình thành làng nổi trên sông. Ông Nguyễn Văn Nhất, người nuôi cá bè lâu năm trên sông La Ngà, với hơn 10 bè cá, cho hay: Năm nay, gia đình ông đã thu hoạch và bán gần 100 tấn cá nước ngọt các loại... Giá bán cá dao động từ 45- 50.000 đồng/kg tùy loại cá, như cá chép, cá diêu hồng. Đặc biệt, cá lăng có giá từ 120- 130.000 đồng/kg. Do nuôi cá với số lượng lớn, nếu thuận lợi, gia đình ông Nhất thu về lợi nhuận hàng tỷ đồng/ năm.

Theo thống kê, khu vực hồ Trị An có khoảng 600 hộ nuôi cá bè, trong đó, chỉ tính riêng tại huyện Định Quán có 409 hộ nuôi cá bè, với 2.009 lồng cá. Ngoài ra, còn có nhiều lồng cá trên khu vực hồ Trị An thuộc các xã Mã Đà, thị trấn Vĩnh An của huyện Vĩnh Cửu.

Nghề nuôi cá bè trên hồ Trị An và sông La Ngà đã giúp bao người làm giàu, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và còn thu hút nhân công từ các nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Tuy vậy, việc nuôi cá bè tập trung dày đặc ở khu vực gần cầu La Ngà cũng dẫn đến nhiều nỗi lo, đó là ô nhiễm nguồn nước và người nuôi thiệt hại khi cá bị chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện Định Quán cho biết, nhằm phát triển nuôi thủy sản lồng, bè lâu dài trên cơ sở khai thác, tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ thủy điện Trị An, UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai Đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An theo Quyết định số 401/QĐ-UBND ngày 11/02/2022.

Thực hiện đề án, hàng trăm hộ nuôi cá bè khu vực gần cầu La Ngà đã di dời đến các khu vực nuôi được tỉnh quy hoạch. Theo ông Dũng, việc di dời bè cá còn là giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản, chủ động ứng phó với thiên tai, bởi vào thời điểm giao mùa nắng- mưa, khu vực nuôi cá bè gần cầu La Ngà thường xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Nguyên nhân do khu vực này lượng bè cá nuôi dày đặc. Vào mùa nắng, nước sông bị cạn nhưng khi xuất hiện các trận mưa lớn kéo dài đầu mùa, nước mưa đổ xuống và chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.

Thực hiện đề án trên của tỉnh, UBND huyện Định Quán phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Chi cục Thủy sản- Sở NN & PTNT, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nuôi cá di dời bè nuôi đến vùng quy hoạch để tránh thiệt hại vào thời điểm giao mùa. Từ đó, nhiều hộ dân như gia đình ông Nhất đã chủ động thu hoạch cá trước thời điểm giao mùa, đồng thời di dời bè nuôi vào vùng nuôi an toàn.

Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định số 1453/QĐ-UBND, phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa lồng bè dôi dư trên hồ Trị An (theo Quyết định số 401 nêu trên), qua đó cho thấy quyết tâm của tỉnh là tăng cường quản lý, sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An, hướng đến mục tiêu nuôi thủy sản bền vững, đồng thời đảm bảo chất lượng môi trường khu vực hồ Trị An. 

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Trường Đại, tỷ phú nuôi tôm công nghệ cao tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Nuôi tôm công nghệ cao

Ông Trần Văn Út, ngụ tại ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, là một đại gia nuôi tôm ở vùng nước lợ. Hiện gia đình ông có 5 ha mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao, với hệ thống cấp thoát nước hiện đại như trang bị dàn oxy đáy, dàn quạt làm mát cho tôm. Trong quá trình nuôi, tôm được cho ăn hoàn toàn bằng máy tự động, chất lượng nước được kiểm tra hàng ngày, hàng tuần về các chỉ tiêu chất lượng nước như chỉ số oxy, độ pH cũng như thành phần các chất khác (NH-3, H2S) nhằm đảm bảo môi trường nước tốt nhất cho con tôm.

Ông Út cho hay, gia đình ông nuôi tôm hơn 10 năm nay. Ngoài kinh nghiệm thu được từ thực tế chăm sóc con tôm  hàng ngày, ông cũng thường xuyên đi tập huấn học hỏi kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức, nhờ đó mà hiệu quả và năng suất nuôi ngày càng nâng cao. Thời gian từ lúc thả con giống cho đến thu hoạch khoảng 80 - 90 ngày, năng suất trên 20 tấn/ha. Trung bình một năm ông thả nuôi 3 đợt, tổng sản lượng tôm thu hoạch đạt khoảng 300 tấn. Với giá tôm khá cao như hiện nay, mỗi năm gia đình ông Út thu về lợi nhuận nhiều tỷ đồng.

Tương tự Long Thành, huyện Nhơn Trạch có địa hình đất đai bằng phẳng lại có hệ thống sông rạch và rừng ngập mặn nên địa phương có tiềm năng nuôi thủy sản nước lợ, trong đó điển hình là con tôm. Đến nay nhiều nhà nông cũng đã áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.

Ông Bạch Công Tài, nông dân nuôi tôm trong ao nổi tại ấp Bà Trường, xã Phước An có 3ha nuôi tôm và ông đã áp dụng mô hình nuôi trong ao nổi. Ông Tài cho biết, đối với nuôi trong ao nổi, nguồn nước nuôi được xử lý rất kỹ, qua 5-7 giai đoạn ở hệ thống ao lắng nên hạn chế rủi ro nguồn nước ô nhiễm, từ đó hạn chế tôm bị dịch bệnh nên đạt năng suất nuôi cao hơn so với nuôi ao tự nhiên.

Cũng theo ông Tài, nuôi tôm trong ao nổi có nhiều lợi ích như: kiểm soát tốt thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa, kiểm soát chủ động môi trường nước, giảm lượng chất thải xả ra môi trường đồng thời giảm tỉ lệ hao hụt, kiểm soát, giảm thiểu rủi ro mầm bệnh từ nguồn nước.

Còn ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công (có 8 thành viên với 30 ha nuôi tôm tại xã Phước An) chia sẻ, do quy trình nuôi tôm hiện được đồng bộ từ khâu chọn con giống đến đầu tư hệ thống ao nuôi lót bạt, có hệ thống xử lý nguồn nước, xử lý chất thải trong ao đảm bảo môi trường tốt cho con tôm sinh trưởng, đồng thời kiểm soát tốt về dịch bệnh nên tôm ít bị bệnh và cho năng suất cao hơn.

Ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) cho biết, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đạt hơn 1.000 ha. Trong đó, hiện nay diện tích nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao là khoảng 200ha. Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ở ao nổi được nông dân đầu tư nhiều. Đặc biệt, tại ấp Bà Trường, xã Phước An đang chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình nuôi này.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho biết, diện tích nuôi tôm của huyện khoảng 1.700 ha, chủ yếu tập trung nhiều ở 2 xã Phước An và xã Vĩnh Thanh. Trong đó, hàng trăm ha nuôi tôm thâm canh và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Địa phương đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.

Cũng theo ông Nhân, nuôi tôm công nghệ cao đang cho lợi nhuận hơn nhiều so với mô hình nuôi tôm truyền thống. Để hỗ trợ nông dân nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao, huyện Nhơn Trạch đã đầu tư hạ tầng như đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản, thành lập tổ hợp tác – HTX nuôi tôm, phát triển vùng nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, địa phương còn triển khai các hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nuôi thủy sản công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở NN& PTNT, trong 9 tháng năm 2024, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Đồng Nai gặp một số khó khăn, bất lợi về thời tiết, vật nuôi dễ bị bệnh; chi phí vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất neo cao. Mặc dù vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn đạt kế hoạch đề ra. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt trên 54,11 ngàn tấn, đạt 73% kế hoạch, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh đã thả nuôi đạt diện tích 8.704 ha (tăng 1,23% so cùng kỳ).

Để hoàn thành mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản trong năm 2024 đạt 74.019 tấn, diện tích nuôi tôm chiếm 1.691,8 ha, ngành thủy sản đã và đang tập trung phát triển diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh áp dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Việc đa dạng hình thức và đối tượng nuôi đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng suất, sản lượng cho người nuôi....
Tiến Phước
Nông nghiệp gắn kết du lịch – 'combo' du lịch lý tưởng tại Đồng Nai
Nông nghiệp gắn kết du lịch – 'combo' du lịch lý tưởng tại Đồng Nai

Đồng Nai có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực Đông Nam bộ nên rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái vườn. Các huyện Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, thành phố Long Khánh… đang tận dụng thế mạnh này để đẩy mạnh du lịch sinh thái vốn đang là trào lưu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN