Tại Kon Tum, đồng bào Rơ Măm - một trong 5 dân tộc đặc biệt ít người, chủ yếu cư trú ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, với 177 hộ/617 khẩu.
Trước đây, đời sống khó khăn, giao thông còn nhiều cách trở. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức lạc hậu.
Triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm đến năm 2025 với kinh phí 88 tỷ đồng. Từ những chính sách hỗ trợ, đầu tư hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc Rơ Măm đã có những đổi thay rõ rệt.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, hình thành trục giao thông chính dọc tuyến biên giới ngang qua làng Le. Hệ thống lưới điện Quốc gia đã phủ đến từng hộ. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phụ vụ sản xuất được đầu tư.
Cùng với đó, con em đồng bào Rơ Măm được đến trường học và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Hàng năm, người dân nơi đây còn được hỗ trợ về cây, con giống; được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của bà con và chính quyền địa phương, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi tại xã Mô Rai được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ người Rơ Măm vay vốn xoay vòng trong sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng bào nơi đây tập trung trồng gần 110 ha điều, khoảng 60 ha lúa nước và lúa rẫy, 5 ha cây ăn quả, trên 90 ha cao su; đàn gia súc, gia cầm đạt gần 1.200 con. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 20 triệu đồng/người/năm.
Đời sống vật chất của đồng bào được cải thiện, những già làng, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm như bà Y Điết, ông A Blong, có điều kiện để bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Đồng bào Rơ Măm đã phục dựng lại những lễ hội truyền thống như lễ Mừng lúa mới, Mừng nhà rông mới, Mở kho lúa, và tiếp tục phát huy các loại hình nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang.
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã nỗ lực mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Rơ Măm ở làng Le. Bước đầu, các lớp học này vừa giúp đồng bào Rơ Măm khôi phục lại đây còn thực hiện nếp sống văn minh trong tang ma, cưới hỏi, lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Quốc Tuấn khẳng định, nhờ có các chính sách hỗ trợ, đầu tư kịp thời của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc Rơ Măm trên địa bàn tỉnh đã định canh, định cư và yên tâm làm giàu. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai những chính sách để hỗ trợ người Rơ Măm phát triển, tăng cường chăm lo, đảm bảo người dân có mức sống ổn định cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội ngang bằng với các dân tộc khác.